Vấn đề xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước trong vụ án Vũ "nhôm" và cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh lại được đề cập trong phiên thảo luận Quốc hội chiều nay 21-11
- Bến du thuyền liên quan Vũ 'Nhôm' bỏ hoang giữa trung tâm Đà Nẵng
- Chánh án TAND tối cao nói gì về xác định thiệt hại tài sản không thống nhất ở đại án Vũ 'nhôm'?
Chiều 21-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu
Phát biểu làm rõ, Chánh án TAND tối cao cho biết ý kiến của Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí về việc thời điểm xác định thiệt hại, khi xây dựng Nghị quyết 03, TAND tối cao đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan liên quan không khác gì quy trình làm luật, và khi tất cả các cơ quan thống nhất thì TAND tối cao mới ban hành Nghị quyết 03. Trong Nghị quyết 03 đã nói rõ thời điểm áp dụng pháp luật, đối với những vụ án không xác định được thời điểm thì áp dụng theo thời điểm khởi tố.
Ví dụ những vụ án mà hành vi phạm tội kéo dài như buôn lậu, sản xuất hàng giả... ở thời điểm công an điều tra, khám phá được kho không biết là cái máy, cái xe này nhập lậu vào thời điểm nào, có thể trong nhiều năm... vụ án ma túy cũng vậy. Cho nên ở thời điểm khởi tố đối với những vụ án mà tình hình phạm tội kéo dài thì Nghị quyết 03 cũng đã giải quyết câu chuyện này.
Về thông tin đối với vụ án Phan Văn Anh Vũ có rất nhiều tài sản xác định tài sản, thời điểm phạm tội chỉ bằng 1/10 hiện nay, giữ tài sản đó khi bán đi thành ra có lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định không có chuyện đó. Bởi vì xác định thời điểm phạm tội là thời điểm xảy ra sự kiện phạm tội nhưng khi tòa tuyên thì tất cả những đất và bất động sản mà Phan Văn Anh Vũ vi phạm bị tịch thu. Vì vậy, không có chuyện còn giữ được tài sản nào để bán đi có lời, dẫu là ở thời điểm phạm tội hay là ở thời điểm khởi tố thì tất cả các bất động sản đó đều bị tịch thu, các vụ án khác cũng vậy, không phụ thuộc vào giá cả ở thời điểm nào.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết ghi nhận ý kiến của Viện trưởng Lê Minh Trí và sẽ cùng rà soát tất cả những nội dung khác, nếu Nghị quyết 03 còn điều gì chưa bao hàm hết, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung thêm và chúng ta lại quay lại quy trình như xây dựng pháp luật.
Vấn đề liên quan đến đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu, Chánh án TAND tối cao cho rằng không phải chỉ có đại biểu Thúy mà tất cả các đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành việc gì tốt cho dân chúng ta đều phải làm, tất cả chúng ta đều tâm niệm điều đó và chúng ta đang thực hiện điều đó. Không ai không làm cả.
Về 2 vụ án ở Đà Nẵng mà đại biểu nêu, Chánh án TAND cho rằng 2 vụ án này khi nêu ở hội trường Quốc hội khó có thể bàn khi chúng ta không có hồ sơ, việc xem xét lại 2 vụ án này phải theo đúng trình tự. Đại biểu có viện dẫn một điều luật là đại biểu có quyền phản ánh với các cơ quan về các bản án có vấn đề, điều này là đúng nhưng đó chỉ là 1 điều, còn một điều nữa là phản ánh thì luật quy định là phản ánh cho ai và với phương thức gì. Theo đó, phải phản ánh cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền là Viện kiểm sát và Tòa án, phản ánh bằng văn bản và bằng lời nói.
Điều thứ 3 là cách thức phản ánh, đối với phản ánh bằng văn bản phải làm gì, đối với phản ánh bằng lời nói thì Viện kiểm sát và Tòa án phải lập biên bản. Điều thứ 4 là nội dung phản ánh nếu phản ánh là đề nghị theo trình tự tái thẩm thì phải thỏa mãn các điều kiện tái thẩm, nếu phản ánh theo trình tự giám đốc thẩm thì phải thỏa mãn các điều kiện của giám đốc thẩm.
Điều thứ 5 là luật cũng quy định thời hiệu các phản ánh đấy có đúng hay không, hội đủ các điều kiện này thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án kháng nghị. Trên cơ sở kháng nghị lúc này mới đến trách nhiệm của Hội đồng thẩm phán. Hội đồng thẩm phán sẽ xem xét các kháng nghị, theo đúng trình tự tố tụng của Viện kiểm sát hoặc là Tòa án.
"Tôi cũng nói lại là nếu như 2 vụ án này có vấn đề thì việc xem xét lại phải theo đúng trình tự. Việc phát hiện không phải đại biểu Quốc hội mà toàn dân đều có quyền phát hiện và kiến nghị nhưng kiến nghị theo đúng trình tự. Đây là câu chuyện của tố tụng, cho nên chuyên môn rất sâu. Tôi đề nghị nếu như đại biểu còn quan tâm đến việc này thì chúng tôi mời đại biểu đến TAND tối cao để chúng ta bàn cả trình tự tố tụng và bàn cả nội dung vụ án. Chúng tôi khẳng định là tất cả các bản án không đúng thì sẽ xem xét lại theo đúng trình tự pháp luật" - Chánh án TAND nêu rõ.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/dai-an-vu-nhom-va-tran-van-minh-o-da-nang-duoc-de-cap-lai-tai-nghi-truong-20231121165143866.htm