Giáo viên phải hoàn thành đánh giá theo chuẩn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; xếp loại công chức của Bộ Nội vụ; bình xét thi đua cuối năm...
- Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả trong chương trình GDPT mới
- Bộ Giáo dục ghi nhận có tình trạng 'diễn' tại hội thi giáo viên giỏi
Giữa tháng 5, nhiều trường phổ thông cả nước tổ chức kiểm tra học kỳ II cùng các công việc khác theo quy định để tổng kết năm học. Năm học này, cán bộ quản lý và giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông đánh giá theo chuẩn mới. Hiệu trưởng phải đánh giá theo Thông tư 14 ngày 20/7/2018, ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Giáo viên phải đánh giá theo Thông tư 20 ngày 22/8/2018, ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.
Đánh giáo theo chuẩn mới
Theo Thông tư 20, chuẩn nghề nghiệp giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn: Phẩm chất nhà giáo; Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; Xây dựng môi trường giáo dục; Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn có một số tiêu chí, tổng cộng 15 tiêu chí, mỗi tiêu chí được phân loại theo 4 mức chưa đạt, đạt, khá, tốt.
Mỗi giáo viên hoàn tất các biểu mẫu sau: Phiếu tự đánh giá của giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông; Phiếu lấy ý kiến của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn; Phiếu lấy ý kiến của giáo viên, nhân viên trong trường (đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng).
Với phiếu tự đánh giá bản thân, theo yêu cầu, giáo viên cần có minh chứng. Trong ví dụ minh chứng sử dụng đánh giá theo chuẩn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (kèm theo công văn số 4530 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 1/10/2018) có đến 20 trang giấy A4 dày đặc chữ.
Tại phiếu lấy ý kiến của giáo viên đối với hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, giáo viên có 4 lựa chọn: Hoàn toàn không đồng ý; Ít đồng ý; Tương đối đồng ý; Hoàn toàn đồng ý. Những lựa chọn khá mơ hồ, vô hình trung gây khó cho giáo viên...
Đánh giá, xếp loại viên chức, công chức
Cùng với đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp, giáo viên còn đánh giá, xếp loại theo Quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập, ban hành theo Quyết định 06 ngày 21/3/2006 của Bộ trưởng Nội vụ. Nội dung giáo viên tự đánh giá gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Kết quả công tác được giao; Khả năng phát triển.
Ba tiêu chuẩn này gồm hơn 11 tiêu chí. Giáo viên tự làm phiếu đánh giá và phân loại theo 4 mức: Xuất sắc, khá, trung bình, kém. Theo quy định hiện hành, hiệu trưởng là công chức, phó hiệu trưởng, giáo viên là viên chức. Căn cứ Nghị định 56 ngày 9/6/2015 về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên tự đánh giá và phân loại theo một trong bốn mức sau: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ.
Một số sở giáo dục và đào tạo có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc trong quá trình triển khai, theo Nghị định 56 kết hợp với Quyết định 6/2006 của Bộ Nội vụ. Tổ chuyên môn góp ý, hiệu trưởng nhà trường kết luận, tổng hợp và báo cáo cấp trên.
Giáo viên phải hoàn thành nhiều loại báo cáo đánh giá cuối năm. Ảnh: ST
Bình xét thi đua cuối năm học
Sau hai cuộc họp để đánh giá, giáo viên trong các tổ chuyên môn có cuộc họp thứ ba, thông qua bản tự nhận xét, đưa ra minh chứng, đánh giá theo các tiêu chí tại Hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng và Luật Thi đua khen thưởng. Theo đó, giáo viên được xếp danh hiệu thi đua như: Chiến sĩ thi đua các cấp, Lao động tiên tiến...
Theo yêu cầu, không được gộp đánh giá (theo chuẩn) với thi đua (Luật Thi đua khen thưởng); các cuộc họp ghi chép thành các biên bản độc lập.
Báo cáo kết quả bồi dưỡng thường xuyên
Ngoài ba nội dung trên, tại tổ chuyên môn, giáo viên tổng hợp các bản thu hoạch theo một số module mà giáo viên tự chọn cho mình từ đầu năm học. Các biểu mẫu khá chi tiết, giáo viên phải "gồng mình" mới kịp báo cáo cho tổ chuyên môn, ban giám hiệu nhà trường.
Sau một năm học, nhìn lại công việc đã làm, đánh giá những việc làm được, những mặt cần cố gắng, rút ra một số kinh nghiệm, chuẩn bị tốt cho năm học sau, điều đó là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều cuộc họp, với hàng chục biểu mẫu, lại rơi vào thời điểm giáo viên hoàn tất đánh giá học sinh, trao đổi với phụ huynh, chuẩn bị chu đáo cho tổng kết năm học, tiếp tục ôn tập khối 12 cho kỳ thi THPT quốc gia... dẫn đến không ít giáo viên, ban giám hiệu các cơ sở giáo dục làm đối phó, hình thức.
Chuẩn nghề nghiệp, đánh giá, xếp loại giáo viên, kết quả bồi dưỡng thường xuyên - những nhận xét chung chung, ghi vào hồ sơ, gửi báo cáo cho cấp trên rồi... đâu lại vào đấy. Thực trạng đó cho thấy, nhiều quyết định, thông tư, kế hoạch hướng đến phát triển năng lực nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức nhà giáo, nhưng kết quả sau nhiều năm thực hiện không đạt được như mong muốn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ thống nhất kết hợp giữa đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đánh giá xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập (Bộ Nội vụ) và bình xét thi đua cuối năm theo một số biểu mẫu chung giúp giáo viên dễ làm, dễ đánh giá, thiết thực giảm áp lực cho họ.
Thi đua đối với trường học nên chú trọng đánh giá của phụ huynh, học sinh, địa phương nơi trường đóng, ghi nhận của cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp ủy và chính quyền địa phương. Ban giám hiệu các trường hiện nay cũng xoay tít với công việc, trong trường nhiều việc, rồi làm việc với các đoàn kiểm tra chéo về hồ sơ thi, phúc tra thi đua, cả với đoàn giám sát của cấp ủy (nếu kế hoạch giám sát đúng vào lúc này).
"Vào mùa thu hoạch", để tạo sự thay đổi trong nhà trường, đành rằng khó mấy cũng phải làm. Nhưng loạn biểu mẫu, nhiều cuộc họp đánh giá, nhiêu khê ấy chỉ làm khổ giáo viên, hiệu trưởng trường học.
- 'Trường bạn em học nhiều quá, không có thời gian chơi thể thao...'
- Dính bê bối gian lận thi cử, giáo dục VN vẫn 'phát triển ấn tượng'