Cấu trúc khổng lồ mang tên Deniliquin bị chôn vùi bên dưới miền Nam bang New South Wales của Úc có thể là tàn tích của "kẻ tấn công" ngoài hành tinh lớn nhất mà Trái Đất từng hứng chịu.

Viết trên chuyên san The Conversation, nhà địa chất Andrew Glikson từ Trường Khảo cổ và nhân chủng học thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) cho biết cấu trúc mang tên Deniliquin mà ông và các cộng sự nghiên cứu ước tính có đường kính lên đến 520 km.

Kích thước này vượt xa cấu trúc tác động Verdefort ở Nam Phi, đang giữ kỷ lục thế giới với đường kính gần 300 km.

Mảnh đất mà nước Úc tọa lạc đã hứng chịu một tác động tàn khốc từ ngoài hành tinh hàng tỉ năm trước - Ảnh đồ họa từ NASA

Mảnh đất mà nước Úc tọa lạc đã hứng chịu một tác động tàn khốc từ ngoài hành tinh hàng tỉ năm trước - Ảnh đồ họa từ NASA

Cú tấn công ngoài hành tinh này xảy ra trong giai đoạn trước mốc 3,2 tỉ năm về trước, là giai đoạn "đầu đời" khốc liệt mà địa cầu phải trải qua, với các cú tấn công liên tục của vật thể vũ trụ.

Lục địa Úc và lục địa tiền thân của nó là siêu lục địa Gondwana cũng đại diện cho những mảnh đất "ưa thích" của những kẻ tấn công ngoài hành tinh thời cổ đại.

Rất may, sự tiến hóa của cả hệ Mặt Trời đã khiến nó ngày một ít bạo lực hơn, ít vật thể không gian bay tự do và bắn phá các hành tinh hơn, dù đôi khi vẫn có những cái đủ lớn để gây ra đại tuyệt chủng, ví dụ như Chicxulub khổng lồ khiến khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước.

Hiện chưa tính toán được chính xác thứ đã gây ra Deniliquin có kích thước bao nhiêu nhưng chắc chắn nó lớn hơn nhiều so với Chicxulub - vốn để lại một "bãi đáp" rộng hơn 180 km trải rộng từ đất liền bán đảo Yucatan cho đến một phần thềm lục địa.