Thông tin cá nhân của khoảng 1,5 tỉ người dùng Facebook trên toàn thế giới được cho là đã bị rao bán sau vụ rò rỉ mới đây.

Thông tin cá nhân người dùng Facebook bị rao bán.

Thông tin cá nhân người dùng Facebook bị rao bán.

Hồi cuối tháng 9, một thành viên của diễn đàn nổi tiếng dành cho tin tặc tuyên bố đã sở hữu thông tin cá nhân của 1,5 tỉ người dùng Facebook trên toàn thế giới và đề nghị bán nó thành nhiều phần cho những người khác trên diễn đàn - theo một báo cáo từ Privacy Affairs. Một người dùng tuyên bố đã nhận được báo giá 5.000 USD cho thông tin của 1 triệu người dùng.

Tin tặc nghi sở hữu thông tin bị rò rỉ tuyên bố rằng nó bao gồm những thông tin sau cho mỗi tài khoản Facebook: Tên, địa chỉ email, vị trí, giới tính, số điện thoại và ID người dùng.

Theo Public Affairs, các mẫu do người dùng chia sẻ dường như là xác thực. Privacy Affairs cũng đã kiểm tra thông tin so với những rò rỉ trước đó và nhận thấy rằng thông tin bị cáo buộc là một rò rỉ mới hoàn toàn, không phải dữ liệu cũ đang được bán lại. Tin tặc tuyên bố phụ trách hoạt động thu thập dữ liệu của 18.000 khách hàng trong 4 năm.

Tuy nhiên, một số người dùng trên diễn đàn đã báo cáo rằng họ không nhận được bất cứ thứ gì sau khi gửi tiền cho người đăng ban đầu. Điều này có thể cho thấy vụ rò rỉ bị cáo buộc trên thực tế là một trò lừa đảo.

Newsweek đã liên hệ với Facebook để bình luận về câu chuyện này và xác nhận tính xác thực của vụ rò rỉ.

Nếu thông tin thực sự được lấy thông qua trình quét dữ liệu, thì không có tài khoản thực nào có khả năng bị xâm phạm. Các tài khoản vẫn có thể bị truy cập nếu dữ liệu được thu thập bởi đúng loại tội phạm mạng. Cũng có thể nó được mua lại bởi các hoạt động tiếp thị và được sử dụng để đẩy một số quảng cáo nhất định đến những người dùng bị ảnh hưởng.

Một vụ rò rỉ dữ liệu tương tự đã xảy ra hồi mùa xuân và ảnh hưởng đến khoảng 533 triệu người dùng từ 106 quốc gia. Thông tin được một số hãng cho là hợp pháp, như Business Insider - hãng này đã sử dụng tính năng đặt lại mật khẩu của Facebook để xác nhận một phần các số điện thoại được liên kết với một số email nhất định.

Vụ nghi tấn công mạng mới nhất này xảy ra cùng thời điểm Facebook và các nền tảng con của nó - Instagram và WhatsApp - bị sập mạng. Người dùng trên khắp thế giới bắt đầu không thể truy cập các dịch vụ vào khoảng trưa 4/10 theo giờ ET (tức đêm 4/10, giờ Việt Nam).

"Chúng tôi biết rằng một số người đang gặp sự cố khi truy cập các ứng dụng và sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi đang nỗ lực để mọi thứ trở lại bình thường nhanh nhất có thể và chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự bất tiện nào" - Facebook cho biết trên tài khoản Twitter chính thức của mình.

Khoảng 5h45 chiều 4/10, giờ ET (tức 4h45 sáng ngày 5/10 giờ Việt Nam), một số người dùng Facebook bắt đầu lấy lại quyền truy cập một phần vào mạng xã hội này trong khi WhatsApp tiếp tục gặp sự cố kết nối với ít nhất một số người.

Các chuyên gia bảo mật cho biết, nguyên nhân Facebook sập toàn cầu có thể là do sai sót nội bộ, dù về mặt lý thuyết, sự phá hoại của người trong cuộc là hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Independent, một số chuyên gia công nghệ trên thế giới nhận định, DNS tức hệ thống tên miền, có thể là nguyên do. Khi người dùng nhập "Facebook.com" vào trình duyệt của mình, máy tính không thể chuyển đổi dữ liệu đó thành dữ liệu thực tế tạo nên trang web Facebook.