Trong các đám giỗ hoặc ma chay, tang sự, người Việt ta thường xếp một mâm có đặt bát cơm, quả trứng để cúng vong linh. Tại sao lại như vậy?

Phong tục, lễ nghi thờ cúng người đã mất là một nét văn hóa truyền thống đẹp của người Việt chúng ta. Khi nhà có đám ma, đám giỗ, các trưởng bối trong gia đình thường dặn bề dưới chuẩn bị "bát cơm con trứng". Ngay cả những nhà dư giả, đôi khi cũng không sắp mâm cao cỗ đầy, chỉ đặt một bát cơm, một quả trứng và đĩa muối lên mâm cơm cúng. Có một vài nơi, trên bát cơm cúng cắm đũa dựng thẳng đứng. Những hành động này không phải là do tiết kiệm mà mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Cúng bát cơm, quả trứng cho người mất là phong tục từ lâu đời của người Việt. Ảnh: Tống Phước Hiệp.

Cúng bát cơm, quả trứng cho người mất là phong tục từ lâu đời của người Việt. Ảnh: Tống Phước Hiệp.

Theo thông tin trong cuốn sách Cơ sở văn hóa Việt Nam, GS Viện Sĩ Trần Ngọc Thêm có viết: "Chôn cất xong, trên nấm mộ đặt bát cơm, quả trứng, đôi đũa (cắm trên bát cơm), nhiều nơi còn đặt thêm mớ bùi nhùi. Tục này mang ý nghĩa chúc tụng: Mớ bùi nhùi tượng trưng cho thế giới hỗn mang, trong hỗn mang hình thành nên thái cực (tượng trưng bằng bát cơm), thái cực sinh ra lưỡng nghi (tượng trưng bằng đôi đũa), có lưỡng nghi (âm dương) là có sự sống (tượng trưng bằng quả trứng). Toàn bộ toát lên ý cầu chúc cho người chết sớm đầu thai trở lại".

Cũng theo thông tin trong cuốn sách 112 Điều Nên Biết Về Phong Tục Việt Nam của tác giả Tân Việt, Nhà xuất bản Văn hóa Dân Tộc, phần 2/67, mục V: Tang lễ có viết: "Sau lễ mộc dục thời gian chưa nhập quan, người mất được đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiếc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng)".

Dù đám giỗ to hay nhỏ, trên bàn thờ chính luôn có một bát cơm úp, một quả trứng. Ảnh: Suckhoecanha.com.

Dù đám giỗ to hay nhỏ, trên bàn thờ chính luôn có một bát cơm úp, một quả trứng. Ảnh: Suckhoecanha.com.

Theo quan niệm dân gian, dù đám giỗ to hay nhỏ, trên bàn thờ chính luôn có một bát cơm úp, một quả trứng. Trứng có thể là trứng gà hoặc trứng vịt, đã luộc chín. Bên cạnh còn có một đĩa muối nhỏ đi kèm. Mỗi một đồ vật trong nghi thức này đều có ý nghĩa riêng.

Bát cơm úp ngược là tượng trưng cho sự đủ đầy, cầu mong người đã khuất luôn ấm no, không thiếu thốn và đói khát khi sang thế giới bên kia.

Việc có một đĩa muối là ngụ ý muốn cho gia đình, anh chị em trong gia đình luôn biết ơn, nhớ đến công lao của người đã khuất.

Còn đối với quả trứng, "quả" ở đây ý muốn gợi nhớ đến câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Còn "trứng" là thể hiện truyền thống nối tiếp thế hệ "chúng ta được sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ".

Ngoài ra, không chỉ theo quan niệm dân gian mà những loại đồ lễ này còn được chi phối bởi thuyết Âm Dương ngũ hành tương sinh tương khắc. Nó thể hiện tình cảm giữa người dương trần và người âm thế. Bởi có âm có dương mới hài hòa, mọi vật mới phát triển sinh sôi.

Bát cơm, quả trứng bên linh cữu nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.

Bát cơm, quả trứng bên linh cữu nghệ nhân Hà Thị Cầu. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.

Bát cơm úp ngược trong đó phần chìm là phần âm, phần nổi là phần dương. Trứng luộc thì lòng đỏ là phần âm, lòng trắng là phần dương. Hơn thế, nó còn mang mầm sống mãnh liệt, thể hiện sự sinh sôi nảy nở.

Trên thực tế, hiện nay các gia đình có điều kiện thường bổ sung thêm rất nhiều lễ vật trong mâm cơm cúng. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn giữ phong tục đặt một bát cơm, quả trứng. Đây là một trong những nét văn hóa tâm linh lâu đời mà các thế hệ người Việt đến nay vẫn được giữ gìn, coi trọng.

Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!