Khi nhà có người mới mất, hầu hết gia đình Việt Nam đều cúng 3 ngày, 49 ngày và 100 ngày. Tại sao lại như thế?

Đối với các gia đình Việt Nam, việc cúng giỗ cho người đã khuất luôn được đặc biệt quan tâm vì họ suy nghĩ "nghĩa tử là nghĩa tận". Và hơn thế, thờ cúng vong linh giống như khi họ đang sống, cũng là để thỏa nguyện tâm linh, "lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương".

Theo thói quen của người Việt, mỗi ngày có hai bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất. Trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ về ăn cơm một lúc cho vui vẻ. Con cháu cầm bát cơm lên, trước hết mời ông bà, cha mẹ, chờ ông bà, cha mẹ rồi mới bắt đầu mới dám ăn. Cuộc sống gia đình đang vui vẻ, êm đẹp như vậy, vắng mặt trong bữa cơm còn nhắc, huống chi vĩnh viễn đi xa. Do đó, trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, nhà ăn thứ gì cúng thứ đấy, thường là tinh khiết, không đòi hỏi cầu kỳ, nhà nghèo thì lưng cơm, đĩa muối cũng xong. 

Thờ cúng người đã khuất là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt bao đời. Ảnh: Đồ thờ Sơn Đồng

Thờ cúng người đã khuất là nét văn hóa tốt đẹp của người Việt. Ảnh: Đồ thờ Sơn Đồng

Từ xưa đến nay, sau khi người thân mất, gia đình nào cũng cúng 3 ngày, 49 ngày và 100 ngày. Điều này đã là người Việt ai cũng thấy thế nhưng để hiểu vì sao lại như thế thì không phải ai cũng rõ?

Vì sao có lễ cúng cơm 3 ngày?

Lễ cúng 3 ngày hay còn gọi là lễ tế ngu hay còn gọi là lễ mở cửa mả. Theo cuốn sách Phong tục Việt Nam, tác giả Phan Kế Bính có viết: "An táng rồi trở về nhà lại tế, gọi là ngu tế. Ngày hôm trước gọi là sơ ngu, ngày thứ hai là tái ngu và ngày thứ ba gọi là tam ngu. Ngu nghĩa là yên. Vì người mất nên xương thịt mới chôn dưới đất, hồn phách chưa được yên, cho nên tế ba lần để yên hồn phách cho người mất".

Cũng theo cuốn sách Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, Hà Nội 2001, tác giả Tân Việt có viết rất rõ: "Tục này không thống nhất, có nơi tính ba ngày sau khi mất, có nơi tính ba ngày sau khi chôn. Xét trong điển lễ thì không có "lễ ba ngày" mà chỉ có "lễ tế ngu" gồm có: "Sơ ngu", "tái ngu", "tam ngu"... Dần dần về sau người ta giảm lược, kiêm cả ba lễ luôn, chỉ làm lễ tam ngu, vì thế nên gọi là lễ ba ngày. Vậy là tính ba ngày từ sau khi chôn, theo tục gọi là lễ mở cửa mả. Ngày đó con cháu ra sửa lại mồ mả, đắp cỏ, khơi rãnh thoát nước... Ngu là tế ngu, tế chỉ tế người chết, tế thần.

Còn có một lập luận khác: Có ba điều không yên khiến phải làm lễ tế ngu: Đang sống hoạt động nay mọi hoạt động bỗng nhiên đình chỉ; Đang nhìn thấy bóng dáng, khi đã nhập quan không nhìn thấy bóng dáng nữa; Đang ở trên dương thế, nay về cõi âm, hồn vất vưởng lìa khỏi xác. Âm dương hoàn toàn cách biệt từ sau lễ thành phần. Sơ ngu, tái ngu, tam ngu là tế để làm cho yên hồn phách, vậy phải tế sau khi mất, sau khi lễ nhập quan và sau khi lễ thành phần xong".

Cúng cơm ba ngày để yên hồn phách cho người mất. Ảnh: Tâm linh.

Cúng cơm ba ngày để yên hồn phách cho người mất. Ảnh: Tâm linh.

Tại sao lại cúng 49 ngày, 100 ngày?

Trần thế thường quan niệm rằng, trong khoảng thời gian 49 ngày người chết vẫn còn ở trong ngôi nhà với một linh hồn có thể biết được suy nghĩ, tiếng nói và việc làm của những người trong gia đình.

49 ngày được coi là quãng thời gian quan trọng của người đã khuất, trong khoảng thời gian này, họ rất đau khổ và quyến luyến với trần gian. Nhiều người cho rằng trong khoảng thời gian 49 ngày người mất vẫn còn ở trong ngôi nhà với một linh hồn có thể biết được những suy nghĩ, tiếng nói và việc làm của những người trong gia đình. Và sau 49 ngày mất đa số người mất sẽ được đầu thai thành những kiếp khác nhau.

Tác giả Tân Việt có viết trong cuốn sách 112 điều nên biết về phong tục Việt Nam, phần 2 về cúng 49 ngày cho người đã khuất, cũng tùy địa phương, có nơi chỉ cúng 49 ngày (tức là lễ chung thất). Theo thuyết của Phật giáo: Qua 7 lần phán xét, mỗi lần 7 ngày đi qua một điện ở âm ty (tức 1 tuần, nhưng không phải tuần lễ theo dương lịch); sau 7 tuần vong hồn đã siêu thoát. Có nơi cúng hết 100 ngày (tức lễ tốt khốc nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của các cụ ngày xưa thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất luẩn quẩn trong nhà chưa đi xa.

49 ngày được coi là quãng thời gian quan trọng của người đã khuất. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên.

49 ngày được coi là quãng thời gian quan trọng của người đã khuất. Ảnh: Đại Kỷ Nguyên.

Tác giả cũng cho rằng, phong tục này có căn cứ khoa học: Theo thuyết Thần giao cách cảm, ngoài điện trường vật lý đã được ứng dụng trong thực tiễn, còn có điện trường sinh học. Những cá thể có cùng tần số cảm ứng trong điện trường sinh học, mặc dầu ở cách xa nhau rất xa vẫn nhận được những nguồn thông tin của nhau. 

Các nhà khoa học đã vận dụng những phát triển đó để giải thích về điềm, về giấc mơ, về những biểu hiện tâm, sinh lý bất thường khi thân nhân (có thể cách nhau rất xa về không gian) có cùng tần số điện trường sinh học có sự biến bất thường. Người ta bảo chết là hết. Nhưng, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm trí người sống. 

Sau khi chết, tim ngừng đập, máu ngừng chảy, thần kinh cảm giác ngừng hoạt động, vỏ não chưa bị hủy, xung quanh hiện trường phát từ não vẫn chưa ngừng phát sóng. Lớp đất dày không ngăn được sóng điện vật lý hay sóng điện sinh học. 

Cá thể sống có tần số điện trường sinh học tương ứng vẫn tiếp nhận được tín hiệu, do đó hiện tượng báo mộng chưa hẳn là vu vơ, không đáng tin. Phải chăng vì lẽ đó mà các cụ cho rằng âm hồn còn phảng phất, chưa siêu thoát.

Còn tác giả Phan Kế Bính cũng có giải thích trong cuốn Phong tục Việt Nam như sau: "Chung thất là 49 ngày gọi là tuần chung thất. Tuần này có tế, có nhà đem vào chùa làm chay, nhờ nhà sư tụng kinh sám hối ba đêm hoặc bảy đêm ngày để cho vong hồn được siêu sinh tịnh độ. Tốt khốc là 100 ngày là tuần tốt khốc nghĩa là đến bấy giờ mới thôi khóc, tuần này tế lễ một tiệc rồi thì thôi không cúng hai buổi nữa".

Hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ. Ảnh: VTV.

Hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ. Ảnh: VTV.

Làm lễ chung thất (49 ngày) và tốt khốc (100 ngày), có phải chọn ngày không?

Theo thông tin trong cuốn sách Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam, tác giả Tân Việt có viết: "Thọ mai gia lễ" thì cứ đúng ngày quy định trong gia lễ mà làm, không có sự chuyển dịch tùy tiện theo lời thầy lễ hay thầy bói nào cả. Chỉ trừ ngày làm lễ an táng và ngày làm lễ trừ phục (hết tang) trong gia lễ có ghi chọn ngày lành. Người ta không ai có thể chọn ngày chết, vậy nên từ xưa tới nay, hàng năm cứ đến ngày mất thì làm giỗ, dù cho có những năm, ngày đó rất xấu, có cả trùng phục, trùng tang, sát chủ, quả tú, cô thần... theo gia lễ: Lễ chung thất, Tốt khốc, Tiều tường, Đại tường cứ theo đúng ngày mà làm lễ.

Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!