Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào lúc 0h ngày 22/1 tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế), Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926 - 2022) đã viên tịch sau một thời gian an dưỡng tại đây.

Tổ đình Từ Hiếu cũng chính là nơi mà Thiền sư đã xuất gia cách đây tám mươi năm. Kể từ đó ông đã tu dưỡng và có công hạnh hoằng hóa rộng rãi Phật giáo trên khắp thế giới.  

Tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được tổ chức tại Tổ đình Từ Hiếu theo nghi thức như một tuần tu, hoàn toàn thanh tịnh. Lễ nhập kim quan sẽ được tổ chức vào lúc 8h ngày 23/1/2022. Lễ trà tỳ (hỏa thiêu) sẽ được tổ chức vào lúc 7h ngày 29/1/2022.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022). Ảnh: Phanbook.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (1926-2022). Ảnh: Phanbook.

Có một thực tế hàng ngàn năm nay là khi các vị cao tăng của Phật giáo viên tịch, nhục thân của các vị sau khi hỏa táng sẽ để lại một số hạt nhỏ với các màu sắc khác nhau, trông giống ngọc trai hoặc pha lê... gọi là ngọc xá lợi. Ngoài ra, tất cả những gì thuộc về vị cao tăng đó như y bát, tóc, móng tay... cũng được xem là xá lợi. 

Xá lợi có thật hay không? Ảnh: IOT Việt Nam.

Xá lợi có thật hay không? Ảnh: IOT Việt Nam.

Ngọc xá lợi hình thành như thế nào?

Theo một bài báo đăng trên Công an TP HCM, nguyên nhân hình thành ngọc xá lợi được chia làm 3 giả thuyết chính: Sự kết tinh của sức mạnh tinh thần và lòng đại từ, đại bi của các vị cao tăng (1); do thói quen ăn chay, ngồi thiền (2); do tình trạng bệnh lý chẳng hạn như sỏi thận (3).

Về trường hợp (1): Sự kết tinh của sức mạnh tinh thần và lòng đại từ, đại bi của các vị cao tăng

Đây là cách lý giải có từ hàng ngàn năm trước, khi sự hiểu biết của loài người còn rất hạn chế và họ cho rằng xá lợi là kết tinh của tinh thần cao tăng, nói cách khác đây là quá trình biến đổi tinh thần thành vật chất.

Xá lợi là bảo vật của nhà Phật. Ảnh: Đời sống pháp luật.

Xá lợi là bảo vật của nhà Phật. Ảnh: Đời sống pháp luật.

Theo học thuyết tương đối của Einstein với công thức nổi tiếng liên hệ giữa vật chất và năng lượng (E=mc2) thì năng lượng liên quan mật thiết với vật chất, mỗi vật thể đều có năng lượng (đây là thuộc tính cơ bản của tất cả các thực thể vật chất trong tự nhiên).

Thế nhưng công thức này không nói rằng khối lượng và năng lượng chuyển hóa lẫn nhau (tức không có năng lượng chuyển hóa thành khối lượng hoặc ngược lại) mà chỉ nói rằng một vật có khối lượng m sẽ có năng lượng tương ứng là E=mc2 mà thôi!

Do đó việc biến đổi năng lượng thành vật chất là một giả thuyết không có cơ sở.

Trường hợp (2): Do thói quen ăn chay, ngồi thiền

Theo giả thuyết này thì do thói quen ăn uống của người theo đạo Phật, các vị Phật tử thường ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ và chất khoáng, điều đó làm quá trình tiêu hóa và hấp thu dễ tạo ra các tinh thể muối phosphate và carbonate.

Các tinh thể muối sẽ kết tinh thành xá lợi, thế nhưng giả thuyết này cũng bị bác bỏ vì nhiều người (không xuất gia) thực hiện chế độ ăn chay nghiêm ngặt những không có xá lợi khi hỏa táng.

Giả thuyết này dễ được chấp nhận hơn khi kết hợp với thói quen ngồi thiền thường xuyên của các vị cao tăng vì khi ngồi thường xuyên như vậy sẽ làm tăng khả năng hình thành tinh thể muối trong cơ thể.

Trường hợp (3): Do bệnh lý

Giả thuyết này cho rằng ngọc xá lợi có thể là do bệnh lý như sỏi thận, thế nhưng giả thuyết này cũng không đứng vững vì thực tế những người thông thường (không phải người xuất gia) bị bệnh sỏi thân khi hỏa táng cũng không có xá lợi. Ngoài ra, các vị cao tăng thường khỏe mạnh, ít bệnh tật, chính vì thế cả ba giả thuyết trên đều chưa thực sự thuyết phục. 

Nghiên cứu của các nhà vật lý

Nguồn gốc của ngọc xá lợi cũng đã được ba nhà vật lý Holden, Phakey và Clement thuộc Đại học Monash, bang Victoria, Úc tìm cách giải thích. 

Trên tạp chí Khoa học pháp y quốc tế số tháng 6/1995, nghiên cứu của các nhà khoa học này cho rằng ngọc xá lợi là do các khoáng tinh thể trong xương (chiếm 2/3 trọng lượng xương) tạo thành dưới nhiệt độ từ 600oC trở lên.

Xá lợi hình thành sau quá trình mai táng ở nhiệt độ thích hợp? Ảnh minh họa: Báo Giác Ngộ.

Xá lợi hình thành sau quá trình mai táng ở nhiệt độ thích hợp? Ảnh minh họa: Báo Giác Ngộ.

Các hạt này có rất nhiều hình dạng khác nhau: hình cầu, lục giác, hạt nhỏ và hình dạng không đều... Trong đó các hạt nhỏ lại có thể kết thành hạt lớn hơn trong khoảng nhiệt độ 1.000 - 1.400oC. 

Theo thông tin từ Trung tâm Phật giáo Forshang thế giới tại Đài Loan, khi phân tích thành phần hóa học trong xá lợi thì các hạt này đều chứa các yếu tố hóa học của cả xương và sỏi.

Thế nhưng nếu nhiệt độ vượt quá 1.600oC thì các khối tinh thể sẽ bắt đầu tan rã, do đó để tạo thành các xá lợi thì nhiệt độ khi hỏa táng là một yếu tố quyết định không hề nhỏ.

Trên đây chỉ là các giả thiết hoặc quan điểm khoa học nhằm giải thích về việc hình thành xá lợi để bạn đọc tham khảo, cho đến nay đây vẫn còn là vấn đề nhiều bí ẩn.