Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước.

Ngày 22/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức "Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố".

Theo Ban Tổ chức, trong số hơn 44.000 chỉ tiêu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) đăng ký tại phiên giao dịch việc làm này, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị thuộc tỉnh Bắc Giang lớn nhất, lên tới 17.494 chỉ tiêu. Cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là các DN tỉnh Bắc Ninh với 11.080 chỉ tiêu. Một số tỉnh, thành có chỉ tiêu tuyển dụng khá lớn như Quảng Ninh với 5.365 chỉ tiêu, Thái Bình 3.708 chỉ tiêu, Ninh Bình 3.174 chỉ tiêu…

Tại Hà Nội, có 29 DN đăng ký, với tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 977 chỉ tiêu. Cùng với việc tổ chức phiên giao dịch việc làm online đồng bộ trên hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại 215 Trung Kính (Hà Nội) và các sàn.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, ngay sau Tết, thị trường lao động tiếp tục đà phục hồi, sự khởi sắc đầu năm thể hiện tại các thị trường lao động lớn trong cả nước.

Kinh tế - Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao

Nhiều người tham gia ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm 9 tỉnh, thành phố ngày 22/2. Ảnh: PT/báo Công Thương.

Ông Thành cho biết, các DN đang tích cực tập trung tuyển dụng lao động ngay từ đầu năm để bổ sung nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải - logistics, dịch vụ nhà hàng khách sạn, du lịch…

Phân tích dữ liệu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tại phiên này cho thấy, trong tổng số 29 DN tham gia phiên giao dịch có 15 DN thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, chiếm tỉ lệ cao nhất (51,7%), còn lại thuộc lĩnh vực sản xuất, xây dựng, bất động sản… Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên là 385 lao động, chiếm tỉ lệ 39,4%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp - công nhân kỹ thuật là 32 lao động, chiếm tỉ lệ 33,6%...

Các phân khúc thu nhập cũng được doanh nghiệp tham gia tuyển dụng đưa ra khá đa dạng. Mức thu nhập từ 15 triệu đồng/tháng trở lên có 154 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng có 283 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng có 345 chỉ tiêu; mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 167 chỉ tiêu; mức thu nhập thỏa thuận có 28 chỉ tiêu.

Theo báo Công Thương, mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng cho các chỉ tiêu tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng… Mức thu nhập phổ biến từ 7 - 10 triệu đồng/tháng sẽ dành cho đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dành mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, partime...

Trong số các ngành doanh nghiệp tuyển dụng, ngành công nghiệp sản xuất điện tử; ngành kinh doanh; may mặc… vẫn là những ngành có số lượng tuyển dụng lao động nhiều nhất.

Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18 - 25 tuổi với 376/977 chỉ tiêu, chiếm 38,49%. Đây là cơ hội việc làm giúp cho các lao động trẻ có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực bản thân, qua đó, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tỉ lệ lao động quay trở lại rất lớn, xu hướng "nhảy việc" sau Tết hạn chế hơn so với những năm trước đây. Các doanh nghiệp cũng đã có nhiều chế độ hỗ trợ, ưu đãi cho người lao động như tổ chức xe đưa đón vì vậy lao động ngoại tỉnh có thể dễ dàng tìm được việc làm ở Hà Nội và ngược lại.

Theo ông Vũ Quang Thành, phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, uy tín tại các tỉnh, thành phố, cùng nhiều vị trí tuyển dụng đa dạng với mức lương hấp dẫn, kỳ vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu tại Sàn giao dịch việc làm. Đồng thời, tạo cơ hội việc làm cho tất cả người lao động trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tại Bắc Giang, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), toàn tỉnh có 7.636 DN đang hoạt động với khoảng 306.200 lao động; lao động làm việc trong các khu công nghiệp khoảng 190.360 người. Thống kê cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các DN trên địa bàn tỉnh năm 2024 là trên 100.000 lao động. Một số DN cho hay, ngay từ đầu năm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thông tin trên phương diện trực tuyến và trực tiếp trên các nền tảng xã hội; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trong công tác tuyên truyền và tuyển dụng lao động tại địa phương; ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực… Tuy nhiên, tiến độ tuyển dụng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là các DN lớn trong các khu công nghiệp.