Theo chuyên gia pháp lý, khi phát hiện tiền gửi tiết kiệm ngân hàng của mình "bốc hơi" khách hàng phải bình tĩnh, đàm phán với ngân hàng, trường hợp không thể đạt được tiếng nói chung thì có thể khởi kiện ngân hàng đến Tòa án.

Thời gian qua, nhiều người hoang mang trước thông tin khách hàng gửi tiền ngân hàng nhưng đã bị nhân viên, cán bộ ngân hàng lừa rút hết tiền trong sổ tiết kiệm.

Mới đây nhất, Cơ quan điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố đối với Bùi Thị Hoài Anh - Giám đốc Ngân hàng MSB chi nhánh Thanh Xuân. Cơ quan công an bước đầu xác định bà Anh đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 8 bị hại với số tiền 338 tỉ đồng.

Theo phản ánh của một số khách hàng, họ đã đến trụ sở ngân hàng để mở tài khoản tiết kiệm. Mỗi lần chuyển tiền vào, khách hàng đều nhận được giấy xác nhận thông tin tài khoản/số dư tài khoản có chữ ký của những người có thẩm quyền của Ngân hàng.

Tuy nhiên, khi nhận được thông báo của cơ quan công an và đến sao kê tài khoản thì gần như toàn bộ số tiền hàng chục tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm của họ đều "không cánh mà bay".

Liên quan đến trường hợp trên, theo nhận định của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty luật SBLAW, nếu có tổn thất, thiệt hại xảy ra mà không phải do lỗi của khách hàng thì chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên phải là ngân hàng cho dù là lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng, hay kẻ gian ngoài ngân hàng.

"Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015: "Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân". Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng khoản tiền bị thất thoát. Khách hàng cần thu thập tài liệu, phối hợp với ngân hàng để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng" – luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết.

Theo ông, nếu cán bộ ngân hàng có hành vi sai phạm làm thất thoát tiền,thường là những hành vi có dấu hiệu của tội "Trộm cắp tài sản", "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" thì cán bộ ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm với ngân hàng.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo, khi gặp rủi ro mất tiền gửi tại ngân hàng, khách hàng cần bình tĩnh tập hợp đầy đủ hồ sơ bằng chứng, tài liệu giao dịch với ngân hàng.

Sau đó, khách hàng cần liên hệ với ngân hàng nơi mình gửi tiền, thông báo về sự cố và cung cấp đầy đủ thông tin giao dịch để ngân hàng xác minh tình hình.

Trong quá trình đàm phán, thỏa thuận với ngân hàng, nếu hai bên không thể đạt được tiếng nói chung, khách hàng có thể khởi kiện ngân hàng đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu ngân hàng hoàn trả lại số tiền bị mất.

Đồng thời, khách hàng cũng nên tìm đến một đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín để nhận tư vấn và tiến hành mời luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, trong trường hợp phải làm việc với các cơ quan chức năng hay xảy ra các tranh chấp kiện tụng, có luật sư tham gia sẽ phần nào giúp quá trình xử lý vụ việc diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Về trách nhiệm của các ngân hàng, luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết, căn cứ theo Điều 10 Luật các tổ chức tín dụng 2010, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm: "Tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh".

Theo đó, ngân hàng phải có trách nhiệm tham gia bảo toàn tiền gửi tại ngân hàng, nếu xảy ra thất thoát tiền gửi, ngân hàng phải chịu trách nhiệm.

"Trong trường hợp này, ngân hàng cần có những động thái để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, rà soát các hoạt động của tài khoản khách hàng cùng những người có liên quan để truy xét nguồn gốc của sự cố. Trong quá trình kiểm tra, nếu nhận thấy có những cá nhân hay tổ chức nào có dấu hiệu của tội phạm thì cần trình báo và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng cũng như quyền lợi và uy tín của ngân hàng" – ông nói.

Về phía cơ quan quản lý, vị luật sư cho biết, theo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, khoản 11 Điều 4 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN trong việc "Kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng; xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng theo quy định của pháp luật".

Điều 54, Điều 55 của Luật này quy định NHNN được "Ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng". Như vậy, trong trường hợp phát hiện ngân hàng xảy ra sai phạm, Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN phải đến thanh tra, xác minh lại thông tin vụ việc tại ngân hàng có sai phạm.

Khi tiến hành thanh tra, nếu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, NHNN cần kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhật Linh / An Ninh Thủ Đô

Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/bi-mat-tien-trong-so-tiet-kiem-ngan-hang-khach-hang-phai-lam-gi-post571632.antd