Cùng một xóm nhưng có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ sinh hàng chục con. Câu chuyện tưởng như hi hữu trong thời đại hiện nay lại là chuyện bình thường ở Tràng Sơn.

Vui vì đông con, khốn đốn vì kinh tế

Ngôi nhà gỗ nhỏ của vợ chồng chị Đặng Thị Hường (SN 1979) và anh Võ Xuân Dũng (SN 1978) nằm trong ngõ tại thôn Tràng Sơn, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Là cặp vợ chồng trẻ nhưng chị Hường và anh Dũng đã có với nhau 9 người con.

Chị Hường cho biết, anh chị kết hôn vào năm 2004. Đến 2005, chị sinh con đầu lòng. Cứ thế trung bình 2 năm 1 đứa, cho đến nay, anh chị đã có đến 9 đứa con: 6 trai, 3 gái. Trong đó, đứa bé nhất mới được 4 tháng tuổi. Chín lần vượt cạn là 9 lần chị bước qua cửa tử, cũng có những lần suýt chết trên bàn mổ. Sinh đẻ liên tục khiến cơ thể chị rệu rạo, sức khoẻ xuống dốc.

Dân sinh - Chuyện ở làng

Chị Hường cùng các con trong ngôi nhà nhỏ.

 

Chị Hường trải lòng, đẻ nhiều con trong khi thu nhập của anh chị chỉ dựa vào mấy sào ruộng và tiệm cắt tóc nhỏ của chồng nên thiếu thốn đủ thứ. Gia đình chị chưa từng có một bữa cơm thịnh soạn cho các con ăn, kể cả là lễ, Tết. "Nhiều lúc nhìn con họ uống đủ thứ sữa này sang thức ăn khác, trong khi các con mình ăn cơm rau, cơm nhút qua bữa mà chạnh lòng. May mắn là trời thương phù hộ, dù không được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng thấy các con đều khỏe mạnh lớn lên", chị Hường nói.

Dành trọn cả thanh xuân chỉ sinh và nuôi con mọn, chị Hường không còn thời gian để làm gì. Kinh tế khó khăn, để thêm cái ăn cho con, tranh thủ những lúc các con đi học, con ngủ, chị Hường tiện song cửa sổ bán, thêm tiền trang trải. Dơ đôi tay bị cụt mất ngón trỏ, chị Hường cho biết, cách đây 4 tháng, trong lúc tiện, chị bị máy cắt đứt lìa một ngón tay. Cuộc sống khó khăn, người mẹ chạnh lòng nhìn các con cái ăn, cái mặc không đủ nhưng cũng chỉ có thể gắng ngày ba bữa cơm, lúc thì ăn mỳ tôm trừ bữa, còn gần như không có thức ăn.

Dân sinh - Chuyện ở làng

Bà Võ Thị Thiện vui khi nhà đông con đông cháu nhưng cũng ngậm ngùi vì các con, các cháu mình thiệt thòi, thiếu thốn.

 

Ngồi ngoài sân, bà Võ Thị Thiện (SN 1941), mẹ chồng chị Hường cho hay, bà có 3 người con nhưng anh Dũng là sinh nhiều con nhất. Đông cháu, tuổi già vui vầy với chúng bà cũng lấy làm vui nhưng thấy con cháu khốn khó, thiếu thốn bà cũng không khỏi chạnh lòng. "Vất vả lắm, từ nhỏ đứa nào cũng trên tay tôi hỗ trợ chăm sóc với mẹ nó. Một mẹ già cộng thêm 9 đứa con, cuộc sống gia đình quá vất vả. Nhiều lần, tôi qua nhà hàng xóm chơi, nhìn mâm cơm đầy đủ thức ăn, nghĩ đến đàn cháu ở nhà tôi xót xa lắm", bà Thiện trầm ngâm.

Bà vừa dứt lời thì tiếng phanh xe đạp của cháu Võ Thị Mỹ (SN 2016), cô con út của vợ chồng chị Hường đi học về. Mới học lớp 2 nhưng Mỹ rất nhanh nhảu. Vừa bật chân chống xe đạp, Mỹ chào mọi người rồi đi vào nhà cất cắp sách. Nhìn thấy em đang chơi một mình, Mỹ lại bế em. So với tuổi, Mỹ trông người lớn hơn hẳn, dỗ em rất điệu nghệ.

Dân sinh - Chuyện ở làng

Sinh được mấy ngày, chị Hường đã phải dậy để làm, ngón tay bị máy tiện cưa đứt hoàn toàn.

Chị Hường cho hay, vì sinh đông con, lại dày nên gần như chị không thể chăm sóc, quán xuyến các con chu toàn. Từ nhỏ, các con đã phải tự lập, học mầm non đã biết tự đạp xe đến trường. Khi về nhà, mỗi đứa phụ giúp mẹ việc nhà, tự bảo ban nhau sắp xếp công việc.

"Tôi thương vợ, thương các con lắm. Nhiều khi nghĩ con là trời cho nhưng sinh đông con quá vất vả. Mỗi tháng, tôi làm cật lực cũng chỉ thu nhập được tầm 7 triệu, không đủ tiền để cho con ăn, học. Đến bữa ăn, đứa một đọi (bát – PV) ăn cho qua bữa. Giờ cả gia đình chỉ chờ vào đứa lớn vừa học xong cấp 3 đang học tiếng để đi xuất khẩu lao động, may ra phụ được bố mẹ nuôi các em", anh Dũng ngậm ngùi.

Hoá điên vì sinh con

Cách nhà vợ chồng anh Dũng không xa là nhà của vợ chồng anh Trần Hoàn (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Diệu (SN 1974). Thấy người lạ vào nhà, chị Diệu ú ớ gọi chồng.

Anh Hoàn cho hay, từ ngày sinh bé thứ 4, chị Diệu bị trầm cảm, phát bệnh thần kinh nên nhớ nhớ, quên quên, có nhiều lúc lên cơn chị còn đập phá đồ đạc, bát đũa, nồi niêu. Hoá điên vì sinh nhiều con nhưng chị Diệu vẫn có thai và sinh đến nay tổng 11 người con.

Dân sinh - Chuyện ở làng

Anh Hoàn ngậm ngùi khi nói về những đứa con anh phải buộc lòng gửinuôi vì không đủ điều kiện kinh tế.

Sức khoẻ không đảm bảo, kinh tế thiếu thốn, vợ chồng chị Diệu sống cùng đàn con trong ngôi nhà ẩm mốc, không có thứ tài sản gì giá trị. Vợ lúc tỉnh lúc điên, không đủ tiền nuôi con nên anh Hoàn buộc lòng gửi đứa con thứ 5 cho người khác nuôi hộ, đứa nữa thì gửi vào trại trẻ mồ côi. Bốn đứa con đầu cũng phải nghỉ học từ lúc lên lớp 6 để đi làm trần gỗ thuê với bố, kiếm tiền nuôi các em.

Đang trò chuyện, người con gái anh Hoàn đi từ trong nhà ra ngoài sân, khi được chúng tôi hỏi cháu năm nay bao nhiêu tuổi thì anh Hoàn bảo không nhớ hết được. "Sinh nhiều quá nên tôi cũng không nhớ hết sinh nhật, năm sinh của các con. Vợ lại lúc tỉnh lúc điên nên kinh tế mỗi mình tôi gánh vác, quần quật cả ngày, đến bữa có chi (gì - PV) ăn nấy. Ngày thường đã không đủ mà ăn chứ không kể gì đến lễ, Tết. Được cái sổ khám bệnh thì vợ cũng lên cơn xé nát rồi nên đến nay vẫn chưa làm được hồ sơ để xin chế độ bệnh cho vợ", anh Hoàn thở dài.

Bà Võ Thị Quế, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc cho biết, trước đây, khi chưa sinh con, chị Diệu là một người phụ nữ buôn bán kinh doanh rất sọi (giỏi – PV). "Thời đó, tôi cũng đi buôn nên nắm rất rõ. Ở đây, làng trên, xóm dưới không ai không biết đến chị Diệu. Chị buôn đủ thứ từ gạo, chuối, mít… giỏi lắm. Một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, nhanh nhẹn nhưng vì sinh nhiều con chị bị trầm cảm rồi phát điên nên nay lúc tỉnh táo, lúc không được bình thường như vậy", chị Quế nói.

Dân sinh - Chuyện ở làng

Sinh con liên tục, kinh tế thiếu thốn đã khiến chị Diệu trầm cảm, phát bệnh thần kinh lúc tỉnh táo, lúc không được bình thường.

Theo Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Khánh Vĩnh Yên, hiện tại thôn Tràng Sơn, ngoài vợ chồng chị Hường, anh Dũng; chị Diệu, anh Hoàn, còn có nhiều cặp vợ chồng cũng sinh rất nhiều con. Riêng trường hợp vợ chồng chị Hường và vợ chồng chị Diệu đều thuộc diện hộ cận nghèo, cuộc sống kinh tế rất vất vả. Hội phụ nữ xã cũng rất quan tâm, có các chính sách cho vay vốn từ ngân hàng chính sách để các chị em phát triển kinh tế… Mặc dù, được nhiều cơ quan, đoàn thể quan tâm, hỗ trợ nhưng cũng như "muối bỏ biển", không thấm vào đâu so với hàng chục miệng ăn mỗi ngày.

"Chúng tôi cũng thường xuyên phổ biến về chính sách kế hoạch hoá dân số. Các chị em cũng không muốn sinh nhiều vất vả nhưng do đặc thù nhiều lý do khiến việc sinh đông con vẫn xảy ra ngoài ý muốn dẫn đến cuộc sống, rất khốn khó, ảnh hưởng sức khoẻ chị em, các cháu cũng không có điều kiện sinh hoạt, học hành tử tế", chị Quế trải lòng.

Ông Phan Trường Sang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Tĩnh cho hay, nhiều năm qua, Chi cục dân số tỉnh thường xuyên triển khai các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho chị em phối hợp tuyên truyền về chính sách kế hoạch hoá gia đình. Đến nay, nhận thức của rất nhiều chị em giáo dân đã được nâng cao, hiểu về nguy cơ sức khoẻ, đời sống khó khăn, con cái thiệt thòi khi sinh nhiều con nên thực hiện rất các biện pháp tránh thai, để không xảy ra việc sinh con ngoài ý muốn. Tuy nhiên, vẫn còn có những vùng, chị em chưa thực hiện tốt vấn đề này khiến cuộc sống rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn, không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dạy cho các con học hành.