Tin tức dự báo thời tiết mới nhất trong hôm nay (28/1). Cập nhật tin tức dự báo thời tiết nhanh và chính xác nhất trên Người Đưa Tin.

Hà Nội

Nhiệt độ thấp nhất: 9-11 độ.

Nhiệt độ cao nhất: 12-14 độ.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực này có mây, có mưa, mưa nhỏ. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét hại.

Phía Tây Bắc Bộ

Nhiệt độ thấp nhất: 9-12 độ; vùng núi cao 3-6 độ, có nơi dưới 3 độ.

Nhiệt độ cao nhất: 11-14 độ, có nơi trên 14 độ; vùng núi cao 8-11 độ, có nơi dưới 8 độ.

Nhiều mây, có mưa, mưa rào, Gió nhẹ. Trời rét hại.

Phía Đông Bắc Bộ

Nhiệt độ thấp nhất: 9-11 độ, vùng núi 4-7 độ, có nơi dưới 3 độ.

Nhiệt độ cao nhất: 12-14 độ, vùng núi cao 7-10 độ, có nơi dưới 7 độ.

Khu vực này có mây, có mưa, mưa nhỏ; riêng vùng núi có mưa, mưa rào. Gió đông bắc cấp 2-3. Trời rét hại.

Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế

Nhiệt độ thấp nhất: Phía Bắc 11-13 độ, phía Nam 14-16 độ.

Nhiệt độ cao nhất: Phía Bắc 14-16 độ; phía Nam 17-19 độ.

Nhiều mây, có mưa rải rác. Gió bắc đến tây bắc cấp 2-3. Phía Bắc trời rét đậm, rét hại; phía Nam trời rét.

Đà Nẵng đến Bình Thuận

Nhiệt độ thấp nhất: Phía Bắc 18-21 độ, phía Nam 21-24 độ.

Nhiệt độ cao nhất: Phía Bắc 24-27 độ; phía Nam 27-30 độ.

Phía Bắc nhiều mây, có mưa, mưa rào rải rác; phía Nam có mây, đêm không mưa, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, có nơi có gió giật mạnh cấp 6. Phía Bắc trời lạnh.

Tây Nguyên

Nhiệt độ thấp nhất: 16-19 độ.

Nhiệt độ cao nhất: 27-30 độ.

Khu vực này thời tiết có mây, đêm có mưa vài nơi, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3.

Nam Bộ

Nhiệt độ thấp nhất: 22-25 độ.

Nhiệt độ cao nhất: 31-34 độ, có nơi trên 34 độ.

Nam Bộ có mây, đêm không mưa, ngày nắng. Gió đông bắc cấp 2-3.

Làm gì để phòng tránh?

Trao đổi với báo Giao Thông, PGS Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết, khi thời tiết lạnh ẩm sâu như hiện nay, số ca bệnh liên quan tới bệnh phổi, bệnh nhiễm trùng tăng mạnh, nhất là ở người già.

BS Tuấn lưu ý, ngoài việc tiêm phòng cúm, uống thuốc đều, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, các bệnh nhân vốn có bệnh lý mạn tính cần tránh tâm lý chủ quan dẫn tới diễn biến bệnh trở nặng. Việc cộng hưởng cùng lúc các yếu tố (thời tiết, bệnh lý, quên thuốc…) sẽ khiến bệnh trở nặng nhanh hơn.

TS Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, về mùa lạnh, huyết áp thường tăng cao so với mùa hè khoảng 5 mmHg. Việc duy trì liên tục mức tăng huyết áp này sẽ làm tăng 21% các biến chứng tim mạch.

Thời tiết lạnh cũng làm tăng tiết các Catecholamin trong máu dẫn đến co mạch ngoại biên, làm tăng lượng máu trở về tim và tăng huyết áp. Đa số người dân không biết hoặc chưa kiểm soát tốt huyết áp của mình.

Với người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90 mmHg. Khi thời tiết chuyển sang giá lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên. Ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi đi tắm rửa...

Huyết áp tối đa quá 180 mmHg là điều rất đáng lo ngại. Nhiều người có tiền sử cao huyết áp lúc đó huyết áp sẽ tăng mạnh đến 200mmHg, nếu không phát hiện, dùng thuốc kịp thời có thể gây vỡ mạch máu não và tử vong.

Thời tiết lạnh còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não.

Để phòng các bệnh lý liệt dây thần kinh số 7 và tim mạch hay đột quỵ, theo khuyến cáo từ BS Tuấn Anh, điều quan trọng nhất là người dân cần được giữ ấm đầy đủ. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.

Những bệnh nhân bị tăng huyết áp nên uống các thuốc hạ huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Các thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời, không được ngừng thuốc đột ngột và cần có sự theo dõi của nhân viên y tế.

Những bệnh nhân có bệnh động mạch vành nên được theo dõi định kỳ, nhất là khi chuyển mùa, khi thời tiết thay đổi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Phụ huynh cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.

Trúc Chi (t/h) / nguoiduatin.vn

Nguồn: https://nguoiduatin.vn/du-bao-thoi-tiet-ngay-2812024-khong-khi-lanh-tiep-tuc-tang-cuong-a647487.html