Nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa của người dân địa phương, tạo không khí sôi động, mở màn cho Lễ hội Đền vua Mai năm 2024.
- Bệnh viện trả nhầm kết quả X-quang, Bộ Y tế đề nghị xác minh, xử lý
- Bình Phước: Điều tra vụ cháy nhà xưởng công ty sản xuất bao bì
Ngày 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng Âm lịch), lễ rước nước từ thượng nguồn sông Lam về Thượng điện Đền vua Mai, thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An diễn ra thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Đây là hoạt động mở màn cho Lễ hội Đền vua Mai. Lễ rước nước trong Lễ hội Đền Vua Mai là một nghi lễ tâm linh có từ ngàn xưa, xuất phát từ tập quán sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, mang ý niệm khơi trong, gạn đục, tẩy trần, cầu mong một mùa lễ hội viên mãn.
Trước khi diễn ra lễ rước nước vào đền Vua Mai, ban tổ chức làm lễ cúng báo cáo đức Vua, xin phép để việc xuống sông đi thuyền xin nước được diễn ra an toàn và thành công. Từ bến Sa Nam, thị trấn Nam Đàn đoàn rước mang theo nhiều tế khí, trống chiêng ngược sông Lam bằng 2 chiếc thuyền lớn. Xung quanh luôn có 2 thuyền rồng chạy vòng quanh để xua đuổi những khí không tốt phục vụ cho nghi lễ rước nước trên sông.
Khi đoàn thuyền đến núi Hùng Sơn, tại khúc sông trước lăng mộ Vua Mai thì làm lễ múc nước. Cụ Nguyễn Quang Chu (90 tuổi), là người múc những gáo nước sông Lam đầu tiên đổ vào chum sành. Sau đó các đại biểu trên thuyền thay nhau múc nước đổ vào chum.
Khi nước đã đầy chum, đoàn rước quay về tại bến Sa Nam, tiếp tục rước nước về Đền thờ vua Mai. Đi đầu là đội trống; tiếp đó là kiệu Thánh được trang trí một chum, sành đựng nước phủ tấm vải đỏ, bốn người khiêng kiệu. Kế sau là đội nghi lễ mặc trang phục lễ hội, nhân dân và du khách thập phương.
Ban tổ chức làm lễ tại đền thờ Vua Mai ở thị trấn Nam Đàn.
Theo tập tục, các cụ cao niên có uy tín trong làng được tiến cử rước nước về Đền và tổ chức tế lễ.
Bốn thanh niên trai tráng ở trong làng rước nước vào điện thờ.
Chum nước này sẽ được dâng lên thượng điện đền Vua Mai để sử dụng cho việc thau rửa đồ tế khí, tế vật những ngày lễ hội.
Lễ rước nước nhằm tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng nước Vạn An độc lập.
Lễ hội Đền Vua Mai diễn ra trong ba ngày, từ ngày 13-15 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào dịp rằm tháng Giêng, mở đầu cho các hoạt động lễ hội trong năm của tỉnh Nghệ An.
- Cà Mau: Buộc thôi việc Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT
- Đề xuất bổ sung Chánh án, Viện trưởng VKSNDTC vào 'đối tượng cảnh vệ'
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/linh-thieng-le-ruoc-nuoc-mo-man-cho-le-hoi-den-vua-mai-a650754.html