Mỹ đã tiến thêm một bước gần hơn tới việc "cấm cửa" TikTok khi Hạ viện quốc gia hiện có 170 triệu người dùng nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này thông qua dự luật cấm, trong khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố sẵn sàng ký dự luật cấm TikTok nếu được Quốc hội nước này thông qua.

Lấn lướt các "ông lớn" mạng xã hội của Mỹ

Hạ viện Mỹ ngày 13-3 đã thông qua một dự luật buộc ByteDance - công ty mẹ của TikTok, phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng nếu không muốn bị cấm hoạt động ở nước này. Dự luật có tên "Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát" được các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo là 352 phiếu thuận và 65 phiếu chống, động thái hiếm hoi cho thấy sự đoàn kết khá cao của lưỡng đảng ở Đồi Capitol. Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua yêu cầu công ty ByteDance phải có các biện pháp để từ bỏ quyền kiểm soát ứng dụng TikTok trong vòng 180 ngày, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ. Đây là bước đi mạnh nhất của Mỹ đối với TikTok kể từ nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump muốn cấm nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này vào năm 2020, nhưng không thành công.

TikTok thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, ngay sau khi xuất hiện từ năm 2016 đã phát triển "bùng nổ" không chỉ tại quốc gia đông dân nhất thế giới (thời điểm đó) mà còn ở nhiều nơi khác khắp toàn cầu, trong đó có Mỹ - nơi "sản sinh" ra nhiều nền tảng công nghệ xuyên biên giới hàng đầu thế giới. "Lấn sân" sang nước Mỹ năm 2017 nhưng nền tảng chia sẻ những video clip ngắn này đã có những bước phát triển như vũ bão, nhanh chóng đuổi kịp và vượt mặt các "ông lớn" mạng xã hội khác của Mỹ như Facebook, Google, Twitter hay Instagram… Mức độ tương tác của TikTok tại Mỹ đã tăng hàng nghìn phần trăm từ năm 2017 đến nay và hiện đã có khoảng 170 triệu người dùng ở nước này, chủ yếu là lớp trẻ trên dưới 20 tuổi. Trong khi đó, Facebook đang có nguy cơ bị "xâm thực" ngay trên "lãnh địa" của mạng xã hội lớn nhất này giảm 26% trong cùng kỳ, trong khi Instagram chỉ nhích lên một cách ít ỏi là 6%.

TikTok hiện nay đã trở thành một kênh mạng xã hội phổ biến với lượng người dùng và tương tác ngày càng tăng tại Mỹ. Theo một số liệu khảo sát, một người bình thường ở Mỹ mở ứng dụng TikTok khoảng 8 lần một ngày. Không chỉ ra đời với mục đích mang tính giải trí cho người dùng, giờ đây TikTok như là một nền tảng truyền thông online cho các thương hiệu. Để có những chiến lược truyền thông thu hút người tiêu dùng, các thương hiệu như TikTok luôn muốn hiểu rõ về insight (sự thấu hiểu sâu sắc về nguyên nhân dẫn đến một hành động nào đó) khách hàng. Ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc này có những tính năng theo dõi lượt thích, không thích và thông tin cá nhân của người dùng, trong đó có địa chỉ email, số điện thoại và mạng wifi.

TikTok bị cáo buộc quét dữ liệu người dùng, trong đó có cả quyền truy cập vào danh bạ người dùng, xem qua tất cả những địa chỉ liên hệ của người dùng, kể cả những người này có trên TikTok hay không và họ đồng ý hay không. Tuy nhiên, không ai biết TikTok làm gì với những dữ liệu thu được từ người dùng. Mặc dù tất cả các ứng dụng mạng xã hội xuyên biên giới khác cũng lấy dữ liệu tương tự của người dùng, song vấn đề mà chính giới Mỹ lo ngại là TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng, Chính phủ Trung Quốc có thể buộc công ty chủ sở hữu của TikTok là ByteDance chia sẻ dữ liệu thu thập được về người dùng.

Tương lai nào cho TikTok tại Mỹ?

Dù TikTok từng nhiều lần khẳng định, không chia sẻ dữ liệu với Chính phủ Trung Quốc và đang nỗ lực chuyển dữ liệu người dùng đến các máy chủ ở Mỹ. Tuy nhiên, các nhân viên an ninh và chính trị gia Mỹ không tin TikTok có thể làm vậy. Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray từng cảnh báo "những lo ngại về an ninh quốc gia, bao gồm khả năng Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng nó (TikTok) để kiểm soát việc thu thập dữ liệu của hàng triệu người dùng". Người đứng đầu FBI nêu rõ, "cực kỳ lo ngại" về các rủi ro bảo mật liên quan đến TikTok.

Báo cáo đánh giá mối đe dọa thường niên năm 2024 của Cộng đồng Tình báo Mỹ ngày 11-3 cho rằng, các tài khoản TikTok nghi liên quan tới cơ quan tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc có thể đã nhắm mục tiêu vào các ứng cử viên từ cả hai chính đảng Dân chủ và Cộng hào trong cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ năm 2022. Các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng hoặc tác động tới những nội dung mà người sử dụng xem trên ứng dụng, bao gồm cả nội dung thúc đẩy sự chia rẽ chính trị tại nước này.

Phát biểu trong phiên điều trần của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ hôm 12-3 vừa qua, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines cũng cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng mạng xã hội TikTok để tác động tới cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Cùng nhận định với Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ trong phiên điều trần tại Hạ viện, Giám đốc FBI Christopher Wray một lần nữa khẳng định lại đánh giá trước đó của mình rằng "TikTok dường như gây ra các mối đe dọa an ninh quốc gia", đồng thời đặt vấn đề "người Mỹ cần phải tự hỏi liệu họ có muốn trao cho chính phủ Trung Quốc khả năng kiểm soát quyền truy cập vào dữ liệu của họ hay không?".

Thế nên, không phải bây giờ mà chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump cũng đã sớm "để mắt" tới TikTok. Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ và gây áp lực buộc công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh phải bán TikTok cho một công ty Mỹ.

Thời gian qua, chính giới Mỹ đã có những động thái hạn chế đối với ứng dụng TikTok tại nước này, nhất là đối với các cơ quan chính quyền địa phương cũng như chính phủ liên bang. Ủy ban Hành chính thuộc Hạ viện Mỹ vào cuối năm 2022 đã cấm cài đặt ứng dụng phát video ngắn của mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty ByteDance trên tất cả các thiết bị do Hạ viện Mỹ quản lý. Lệnh cấm này tương tự một đạo luật mà theo đó cấm sử dụng TikTok trên những thiết bị của Chính phủ Mỹ.

Montana trở thành bang đầu tiên của Mỹ ban hành luật cấm hoàn toàn ứng dụng chia sẻ video TikTok trong lãnh thổ bang, có hiệu lực từ tháng 1-2024. Theo đó, cấm các cửa hàng ứng dụng trên các thiết bị điện tử cung cấp ứng dụng TikTok trong phạm vi bang Montana, trong khi nhiều bang khác của Mỹ cũng đang đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế người dân sử dụng ứng dụng chia sẻ video phổ biến trên nền tảng TikTok.

Cho đến nay, TikTok đều lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc nhằm vào nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này. Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew ngày 13-3 cảnh báo, dự luật nếu được ký thành luật sẽ dẫn đến lệnh cấm TikTok ở Mỹ và sẽ cướp đi hàng tỷ USD của những người sáng tạo nội dung và doanh nghiệp nhỏ, khiến 300.000 việc làm của người Mỹ gặp rủi ro. Phía Trung Quốc cũng ngay lập tức phản ứng dữ dội với dự luật mà Hạ viện Mỹ thông qua. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày 13-3 nhấn mạnh, mặc dù chưa tìm thấy bằng chứng về cách TikTok gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của mình nhưng Mỹ "chưa bao giờ ngừng nhắm mục tiêu vào TikTok"; đồng thời cáo buộc thêm rằng Mỹ đã "dùng hành vi bắt nạt khi không thể cạnh tranh công bằng".

"Số phận" của TikTok giờ đây phụ thuộc vào bước đi tiếp theo là xem xét, quyết định tại Thượng viện Mỹ. Tổng thống Joe Biden tuyên bố, sẵn sàng ký ban hành thành luật nếu dự luật này được Quốc hội Mỹ thông qua.

Hoàng Hà / An Ninh Thủ Đô

Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/my-tien-dan-toi-viec-cam-cua-tiktok-post569978.antd