Khi lợi ích vật chất trở thành một trong những mục đích chính của lễ hội thì sẽ có nhiều nghi thức "giải thiêng", nhiều hành vi lợi dụng để thương mại hóa, trục lợi từ lễ hội

Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ. Chỉ riêng Hà Nội, trong năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra hơn 1.500 lễ hội. PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc trả lại những giá trị tích cực của lễ hội truyền thống.

"... tả tơi xem hội"

. Phóng viên: Bên cạnh những lễ hội phát huy văn hóa truyền thống thì thời gian qua, vẫn còn lễ hội ở một số nơi bị biến tướng, sai lệch, thương mại hóa… Ông nghĩ sao về điều này?

- PGS-TS BÙI HOÀI SƠN: Trẩy hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt. Đây không chỉ là dịp nguyện cầu riêng cho bản thân, gia đình mà còn là dịp giúp chúng ta thực hành sinh hoạt văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, dù công tác quản lý của chúng ta dần tốt lên qua từng năm nhưng vẫn còn một số lễ hội bị biến tướng, sai lệch, thương mại hóa...

Trả lại vẻ đẹp cho lễ hội truyền thống- Ảnh 1.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội

Điều này có nguyên nhân chủ quan, thuộc về bản chất của lễ hội khi đây là cuộc vui đông người, liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh. Cha ông ta từng nói "vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội" như một cách ví von về hậu quả của một cuộc vui đông người. Vì liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh nên dễ phát sinh các hiện tượng mê tín dị đoan đi kèm với lễ hội.

Còn nguyên nhân khách quan đến từ việc chúng ta đang vận hành cuộc sống trong nền kinh tế thị trường; qua đó, các yếu tố, quy luật của kinh tế thị trường đã len lỏi vào hoạt động xã hội, bao gồm cả văn hóa, cụ thể ở đây là lễ hội truyền thống. Khi lợi ích vật chất trở thành một trong những mục đích chính của việc tổ chức lễ hội thì chúng ta sẽ thấy có nhiều nghi lễ bị "giải thiêng", nhiều hành vi lợi dụng lễ hội để thương mại hóa, trục lợi. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải giải quyết để trả lại vẻ đẹp vốn có cho lễ hội truyền thống.

. Phải chăng không ít lễ hội cổ truyền đang có xu hướng biến đổi không đúng với mục đích ban đầu, nặng màu sắc mê tín?

- Đầu năm là dịp rất phù hợp để con người cầu mong những điều tốt đẹp đến với bản thân và gia đình. Đây là thời điểm bắt đầu một năm và ai cũng mong ước những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, chúng ta thường đến các thiết chế tâm linh như chùa, đình, đền để thỏa mãn ước nguyện đó.

Theo tôi, về mặt bản chất, hành động này rất tốt để tạo động lực tinh thần cho mỗi người. Khi tin rằng có sự ủng hộ tinh thần từ tổ tiên, thánh thần, trời phật, chúng ta sẽ có thêm quyết tâm để đạt được những mục đích của mình. Nhờ quyết tâm ấy, chúng ta cũng dễ thành công hơn trong cuộc sống. Hơn thế, đến với các thiết chế tâm linh cũng giúp chúng ta hướng thiện, "biết sợ" khi làm việc xấu. Đây cũng là những đức tính rất cần cho xã hội chúng ta hôm nay.

Trả lại vẻ đẹp cho lễ hội truyền thống- Ảnh 2.

Người dân và du khách tham dự lễ hội ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ảnh: THANH TUẤN

Tuy nhiên, cuộc sống hiện nay cũng có nhiều bấp bênh, may rủi, không dự đoán được. Chẳng hạn, nhiều người từng khẳng định về một thế giới "VUCA" (Volatility - biến động, Uncertainty - không chắc chắn, Complexity - phức tạp, Ambiguity - mơ hồ). Những may rủi trong cuộc sống đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ việc chưa chặt chẽ trong luật pháp, làm ăn kinh tế hay những sự kiện rất đáng chú ý gần đây như các vụ án liên quan tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn…, khiến nhiều người tin vào quyền lực của thế giới siêu nhiên.

Chúng ta có thể thấy hệ quả của việc ấy ở các lễ hội như lễ hội khai ấn đền Trần; việc người dân ùn ùn đến với các đền Bảo Hà, đền Chợ Củi... - những nơi được xem là linh thiêng, đem lại may mắn. Sự phát triển của mạng xã hội lại làm lan truyền nhiều hơn những thông tin mê tín dị đoan này. Tất cả khiến nhiều lễ hội phải tự quảng bá bằng cách làm tăng tính huyền hoặc, linh thiêng để thu hút thêm người dân. Mê tín dị đoan từ đó nảy nở, phát sinh nhiều hơn, ảnh hưởng không tốt đến xã hội và văn hóa.

Ngăn chặn trục lợi tâm linh

. Vậy làm thế nào để trả lại những giá trị vốn có cho lễ hội, để lễ hội thực sự là sự kiện của cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, thưa ông?

- Như tôi đã nói, việc thương mại hóa trong các lễ hội là xu thế trong nền kinh tế thị trường. Việc tổ chức lễ hội giờ đây vì nhiều mục đích khác nhau, cả văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Cái mà chúng ta phải phản đối là việc thương mại hóa thái quá, trục lợi tâm linh từ hoạt động tổ chức lễ hội. Để lễ hội thực sự là sự kiện của cộng đồng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, chúng ta có thể áp dụng các giải pháp sau:

Thứ nhất, chính quyền địa phương cần thực hiện các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ việc tổ chức lễ hội. Cần xây dựng các quy định và hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức lễ hội, giới hạn quảng cáo thương mại và kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Thứ hai, tăng cường ý thức cộng đồng. Công tác tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng về việc giữ gìn và tôn trọng giá trị văn hóa của lễ hội rất quan trọng. Những hoạt động tuyên truyền có thể được tổ chức để nâng cao nhận thức về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các lễ hội.

Thứ ba, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc tổ chức và quản lý sẽ giúp giữ cho các lễ hội truyền thống không bị thương mại hóa thái quá. Các tổ chức, cộng đồng nên được khuyến khích nhiều hơn nữa để tham gia tích cực và chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc tổ chức các hoạt động lễ hội.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng các quy định pháp lý chặt chẽ hơn. Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể thiết lập các quy định pháp lý cụ thể và chặt chẽ để hạn chế hoạt động thương mại trong những lễ hội. Áp dụng các biện pháp phạt và xử lý nghiêm đối với việc vi phạm các quy định này cũng là một cách rất tốt để bảo đảm mọi người tuân thủ.

Thứ năm, khuyến khích hình thức tài trợ hợp lý. Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp và quảng cáo thương mại, cần khuyến khích các hình thức tài trợ từ những tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội và các nhóm quan tâm đến văn hóa để hỗ trợ mà không làm mất đi bản sắc truyền thống của lễ hội. 

Không can thiệp quá mức vào lễ hội

PGS-TS Bùi Hoài Sơn cho biết lễ hội bao giờ cũng thuộc về một cộng đồng nào đó. "Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ". Vì thế, tổ chức lễ hội dứt khoát phải là việc của người dân ở các cộng đồng. Tuy vậy, đó là nói nguyên tắc. Sự đứt đoạn truyền thống trong một khoảng thời gian nhất định vì chiến tranh và nhận thức khiến việc tổ chức trở lại các lễ hội gặp nhiều khó khăn.

"Chúng ta thấy có sự can thiệp quá mức của chính quyền địa phương một số nơi vào việc tổ chức lễ hội truyền thống, làm cho nhiều lễ hội bị biến thành các cuộc mít tinh, báo cáo thành tích địa phương và động viên tinh thần người dân. Một số lễ hội thuê cả người khiêng kiệu hay làm lễ. Đấy là những việc cần tránh để bảo đảm việc tổ chức lễ hội trở nên bền vững hơn trong thời gian tới" - ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Hoàng Lan Anh / nld.com.vn

Nguồn: https://nld.com.vn/tra-lai-ve-dep-cho-le-hoi-truyen-thong-196240218194046049.htm