Trong lúc tự chế pháo nổ, 2 học sinh ở Lâm Đồng đã bị bỏng nặng toàn thân và được người thân đưa đi cấp cứu điều trị kịp thời.

Ngày 9/1, lực lượng y tế tỉnh Lâm Đồng đã chuyển tuyến để đưa hai em P.G.B. và Đ.N.H. cùng 14 tuổi, học sinh lớp 9 trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Di Linh từ Bệnh viện II Lâm Đồng đi Tp.HCM để tiếp tục cấp cứu.

Thông tin ban đầu, tối 8/1, hai em B. và H. sử dụng bột lưu huỳnh cho vào máy xay để chế tạo pháo. Quá trình xay đã phát sinh nhiệt gây nổ khiến cả hai em bị thương tích nặng toàn thân.

Ngay sau đó, người nhà đã đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện II Lâm Đồng trong tình trạng nguy kịch.

Tại đây, các bác sĩ xác định hai bệnh nhân được chẩn đoán thủng khí quản, thủng phổi, thủng ruột, vỡ gan và tràn máu màng phổi. Trên khắp bề mặt cơ thể xuất hiện nhiều vết thủng do áp lực vụ nổ gây ra.

Các bác sĩ sau đó đã tiến hành phẫu thuật đặt nội khí quản để bệnh nhân thở máy.

Sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng huyện Di Linh đã có mặt tại hiện trường để điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc.

Tổn thương đa cơ quan do pháo

Theo ThS.Bác sĩ Nguyễn Điện Thanh Hiệp - Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết: "Pháo phát nổ có thể gây chấn thương phần mềm, rách da. Hội chứng sóng nổ gây đa chấn thương sọ não, ngực, bụng, gãy xương tay chân... Các chấn thương do pháo thường tùy thuộc vào lượng nổ và tính chất quả pháo".

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Hiền - khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), gia đình và nhà trường cần quan tâm và tăng cường giáo dục hơn nữa để trẻ nhận thức được hành vi tự chế pháo là vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, hành vi này đe dọa đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh.

Theo các bác sĩ, pháo tự chế gây nổ không chỉ gây phỏng, chấn thương phần mềm mà còn nguy hại đến hệ hô hấp, tổn thương mắt. Trong trường hợp lượng pháo nổ không lớn vẫn có thể nhiễm độc khói hóa chất, đặc biệt đối với người có tiền sử bệnh hen suyễn, hô hấp.

Trong khi đó, Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, cho hay sức ép của vụ nổ pháo có thể xé toang nhãn cầu, làm thoát dịch và mô nội nhãn ra ngoài. Nếu vỏ bọc nhãn cầu còn nguyên vẹn thì sức ép, xung chấn cũng sẽ gây tổn thương các môi trường nội nhãn như phù giác mạc, chảy máu trong, sa lệch thể thủy tinh, rách võng mạc...

Đặc biệt, dị vật chui vào trong mắt sẽ gây hủy hoại các mô mắt, là nguồn nhiễm trùng và viêm nhiễm dai dẳng, đau đớn kéo dài đến vài năm cho nạn nhân.