Theo WHO, chất béo chuyển hóa trong thực phẩm là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/1 cho biết gần một nửa dân số thế giới đã được hưởng lợi từ các quy định nghiêm ngặt về hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm. WHO kêu gọi các quốc gia chưa thực hiện theo đuổi nỗ lực này.

Năm 2018, WHO kêu gọi loại bỏ chất béo chuyển hóa trong thực phẩm sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới vào năm 2023, do có nhiều bằng chứng cho thấy đây là nguyên nhân gây ra 500.000 ca tử vong sớm mỗi năm. Mục tiêu này không đạt được và được lùi lại đến năm 2025.

Tuy nhiên, tính đến nay mới chỉ có 53 quốc gia, chiếm 46% dân số thế giới, đang thực hiện các chính sách tối ưu để hạn chế chất béo độc hại này, tăng từ 11 quốc gia và tỉ lệ 6% vào năm 2018. WHO ước tính khoảng 183.000 người được cứu sống mỗi năm nhờ các chính sách này.

"Chất béo chuyển hóa không những không có lợi ích sức khỏe mà lại có nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe. Chúng tôi rất vui mừng vì rất nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách cấm hoặc hạn chế chất béo chuyển hóa trong thực phẩm", người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một tuyên bố đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tham gia và tăng cường đối thoại với ngành công nghiệp thực phẩm.

Theo các nghiên cứu y khoa, chất béo chuyển hóa sẽ làm tắc nghẽn các động mạch xung quanh tim. Chất này thường được sử dụng trong thực phẩm đóng gói, đồ nướng, dầu ăn, bơ thực vật... Các nhà sản xuất thực phẩm thường sử dụng chất béo chuyển hóa vì chúng có thời hạn sử dụng lâu hơn và rẻ hơn một số chất thay thế khác.

Theo WHO, cách để loại bỏ chất béo chuyển hóa là các nước nên có giới hạn bắt buộc trên toàn quốc hoặc thậm chí là ban lệnh cấm hoàn toàn, điển hình như Đan Mạch. Đại sứ Đan Mạch tại Liên Hợp Quốc ông Ib Petersen cho biết, các chính sách được áp dụng ở Đan Mạch đã làm giảm bệnh tim mạch vành ở nước này tới 11%.

Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu. Ước tính có khoảng 17,9 triệu người tử vong vì những căn bệnh như vậy vào năm 2019, trong đó 85% là do đau tim và đột quỵ. Theo các chuyên gia y tế, loại bỏ chất béo chuyển hóa được coi là một cách dễ dàng để giảm số lượng tử vong này.

Tom Frieden, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Resolve to Save Lives, đối tác với WHO về chất béo chuyển hóa, cho biết: "Việc loại bỏ chất béo chuyển hóa là khả thi về mặt kinh tế và cứu mạng sống bởi hầu như nó không gây tốn kém cho chính phủ hoặc người tiêu dùng. Hợp chất có hại này là không cần thiết và không ai nhớ nó khi nó biến mất cả".