Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định cho phép tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không thông báo về việc phong tỏa tài khoản thanh toán cho chủ tài khoản trong trường hợp có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền, nhằm tránh việc bị tẩu tán tài sản.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư Quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Trong đó, liên quan đến quy định về việc phong tỏa tài khoản thanh toán, dự thảo bổ sung một số quy định đáng chú ý.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định về các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán theo thỏa thuận giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Cùng với đó, bổ sung quy định về việc phong tỏa và chấm dứt phong tỏa tài khoản thanh toán trong trường hợp nghi ngờ khách hàng hoặc giao dịch của khách hàng có liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thực hiện theo quy định của pháp luật về khủng bố, tài trợ khủng bố; phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nội dung này được bổ sung trên cơ sở quy định quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 81/2019/NĐ-CP ngày 11/11/2019 về phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 122/2013/NĐ-CP ngày 11/10/2013 về tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ và xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Dự thảo Thông tư cũng quy định: Sau khi phong tỏa tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo (bằng văn bản hoặc theo hình thức thông báo đã thỏa thuận tại văn bản thỏa thuận mở, sử dụng tài khoản thanh toán giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng mở tài khoản thanh toán) cho chủ tài khoản (hoặc người đại diện theo pháp luật, người giám hộ của chủ tài khoản) biết về lý do và phạm vi phong tỏa tài khoản thanh toán (trừ trường hợp có yêu cầu khác từ cơ quan có thẩm quyền);
Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán phải được bảo toàn và kiểm soát chặt chẽ theo nội dung phong tỏa. Trường hợp tài khoản bị phong tỏa một phần số tiền trên tài khoản thanh toán thì phần không bị phong tỏa vẫn được sử dụng bình thường.
Như vậy, dự thảo lần này đã bổ sung nội dung cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán không thông báo về việc phong tỏa tài khoản thanh toán cho chủ tài khoản trong trường hợp có yêu cầu khác từ cơ quan có thẩm quyền.
Theo cơ quan soạn thảo, sở dĩ có quy định này là vì việc thông báo lý do cho chủ tài khoản sẽ giúp chủ tài khoản có thông tin tẩu tán tài sản.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/de-xuat-truong-hop-cho-phep-ngan-hang-phong-toa-tai-khoan-khach-hang-ma-khong-can-thong-bao-post570418.antd