Một trường học ở Hà Nội không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp Tết đã được duy trì suốt 12 năm.

12 năm một lời hứa với học trò

Theo Tri Thức cách đây 12 năm (năm 2012), thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội), đã thay mặt các thầy cô giáo, hứa với học sinh: "Từ nay, thầy cô giáo sẽ không giao bài tập về nhà trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán".

Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, trong thư ngỏ mới đây, thầy Khang nhắc lại lời hứa này, nhắn nhủ các giáo viên: "Chúng ta dành cho các con được hưởng một cái Tết thoải mái, bình an và ấm áp bên gia đình".

Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh và học sinh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ thông điệp của nhà trường.

Theo thầy Khang, việc không giao bài tập cho học sinh trong dịp Tết Nguyên đán đã được nhà trường thực hiện từ lâu, trước cả khi thầy đưa ra lời hứa.

Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Vì vậy, thầy cô không giao bài tập để học sinh được thoải mái, không phải kè kè bài tập bên mình.

"Thay vì phải học bài hoặc xem điện thoại cả ngày, tôi hy vọng các con có thể phụ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, thoải mái về quê thăm gia đình, họ hàng, trải nghiệm các hoạt động Tết, đọc cuốn sách yêu thích", thầy Khang chia sẻ.

Nói về việc nhiều phụ huynh lo ngại học sinh quên kiến thức khi nghỉ Tết dài ngày, thầy Khang cho hay việc này không đáng lo ngại bởi thời gian nghỉ chỉ khoảng 7-15 ngày, trường hợp quên kiến thức là rất ít.

"Tôi nghĩ dù ít hay nhiều, dễ hay khó, chúng ta cũng không nên giao bài tập Tết cho học sinh", thầy Khang nhấn mạnh.

Có nên giao bài tập Tết cho học sinh?

Chuyên gia cho rằng, các thầy cô cần sáng tạo, đưa ra những bài tập phù hợp nhằm ôn tập kiến thức tránh kỳ nghỉ trở thành nỗi ám ảnh với học sinh.

Với Chương trình GDPT 2018, đổi mới về cách thức kiểm tra đánh giá học sinh, giờ đây các thầy cô cũng cần linh hoạt đổi với việc ôn tập ngày tết, trách khiến các em không có kỳ nghỉ trọn vẹn bởi số lượng khủng bài tập về nhà.

Chia sẻ về vấn đề này với Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Văn Hoà - Chủ tịch Hội đồng Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội) cho rằng, học sinh vẫn cần bài tập tết đặc biệt đối với những học sinh cấp tiểu học.

"Tuy nhiên, các thầy cô giáo phải hiểu, bài tập cho kỳ nghỉ nhằm giúp học sinh ôn tập, nhớ lại kiến thức, khởi động lại tinh thần học tập sau thời gian dài nghỉ tết chứ không phải giao lượng lớn bài tập cho các em", ông Hoà cho biết.

Cùng với đó, TS. Nguyễn Văn Hoà cho rằng thời điểm gửi bài tập tết vào trước đi học khoảng 2-3 ngày để học sinh vẫn có khoảng thời gian nghỉ ngơi, nhưng vẫn có thể ôn lại kiến tập đã học, tránh giao trước tết làm dồn hết bài tập cũng sẽ không đem lại hiệu quả ôn tập cho các em.

"Nếu chúng ta giao quá nhiều bài tập và giao sớm phụ huynh sẽ bắt làm học sinh làm bài, các em sẽ không được vui chơi đón tết. Chỉ nên đưa ra lương bài tập vừ phải, vừa sức vì học sinh nghĩ dài dễ quên kiến thức, có tâm lý ngại học. Vì vậy các thầy cô cần thiết kết bài tập để các em khởi động chứ không thể sau kỳ nghỉ là tự nhiên học được ngay", ông Hoà thông tin.

Giáo dục - 'Độc đáo' ngôi trường 12 năm không giao bài tập Tết cho học sinh

Làm bài tập trong những ngày nghỉ Tết là điều không nhiều học sinh hứng thú. Thầy cô cũng cho rằng, thực tế, không nhất thiết phải giao cho trẻ bài tập vào ngày Tết. Ảnh minh họa.

Trao đổi với Vietnamnet thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội), cho rằng, thay vì giao bài tập, các giáo viên hãy giao nhiệm vụ cho học trò.

"Tết là dịp học trò được nghỉ ngơi, đoàn viên bên gia đình. Trong cả năm học, về cơ bản, các em đã thực hiện các hoạt động học tập, giáo dục và rất cần thời gian được nghỉ ngơi ấm cúng bên gia đình dịp Tết đến, xuân về. Đây cũng là dịp các em cần được trải nghiệm các hoạt động đón Tết cổ truyền. Bởi vậy, không nên giao nhiều bài tập để ngày nào các em cũng phải làm bài tập hoặc phải làm bài tập nhiều trước, sau Tết.

Việc này cũng không phù hợp với tâm lý của học trò. Vì vậy, thay vì giao bài tập nhiều, thầy cô hãy giao nhiệm vụ cho các em. Chẳng hạn giao những nhiệm vụ về tìm hiểu phong tục tập quán ngày Tết, những việc làm của học trò cùng gia đình đón Tết…

Bên cạnh đó, thầy cô cũng có thể giao những nhiệm vụ gắn với học tập, nhưng ở mức độ nhẹ nhàng, chẳng hạn dọn dẹp góc học tập, ôn tập nhẹ nhàng những kiến thức của các môn học tuần đầu tiên", thầy Cường nhấn mạnh.

Theo thầy Cường, thầy cô cũng cần lưu ý thêm cho học trò qua những buổi trao đổi trước khi nghỉ Tết. Thông qua đó, thầy cô có thể giáo dục, căn dặn, lưu ý các em về đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm… "Giáo viên cũng có thể giáo dục để khi nghỉ Tết các em thực hành như chào hỏi, chúc Tết hay những việc làm tốt đầu năm... Từ đó, các em gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp", thầy Cường nói.

Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ tết Âm lịch năm 2024 từ thứ Năm ngày 8/2/2024 Dương lịch (tức ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão) đến hết thứ Tư ngày 14/2/2024 Dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn).

Đợt nghỉ này bao gồm 5 ngày nghỉ tết Âm lịch và 2 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại khoản 3 Điều 111 Bộ luật Lao động.

 

 

Trúc Chi (t/h) / nguoiduatin.vn

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/doc-dao-ngoi-truong-12-nam-khong-giao-bai-tap-tet-cho-hoc-sinh-a648339.html