L.T.S: Kẻ gian sử dụng công nghệ để theo dõi mọi hoạt động, nắm bắt thông tin của người dân để lừa đảo bằng những kịch bản, chiêu thức tinh vi, hối thúc nạn nhân chuyển tiền theo hướng dẫn.

Thông qua mạng xã hội, đối tượng lừa đảo giả danh một Việt kiều để tạo ra những thông tin khẩn cấp y như thật, thúc giục người nhà chuyển tiền cho người khác

"Tôi đã bị kẻ gian xâm nhập vào nhóm Messenger rồi giả mạo thông tin, tạo ra nhiều tình huống ly kỳ, dẫn dụ bạn bè, người nhà của tôi ở Việt Nam chuyển tiền, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng" - chị Minh Thùy, kiều bào đang sinh sống tại Mỹ, phản ánh với Báo Người Lao Động.

Giả mạo danh tính, nắm rõ quy luật

Là thủ quỹ cho một nhóm từ thiện 30 người Việt ở Mỹ, hằng năm chị Minh Thùy thường gửi tiền về Việt Nam để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho một số chùa và giúp đỡ cuộc sống các gia đình ở Việt Nam, trong đó có người nhà của chị.

Đủ kiểu giăng bẫy lừa đảo tài chính: Xâm nhập nhóm kín, 
tạo tình huống khẩn   
- Ảnh 1.

Đủ kiểu giăng bẫy lừa đảo tài chính: Xâm nhập nhóm kín, 
tạo tình huống khẩn   
- Ảnh 2.

Đủ kiểu giăng bẫy lừa đảo tài chính: Xâm nhập nhóm kín, 
tạo tình huống khẩn   
- Ảnh 3.

Một nickname Messenger bị hacker lừa đảo hàng trăm triệu đồng

Thông thường, chị Thùy gửi về USD cho một người bạn ở Việt Nam tên Linh rồi nhờ người này làm đầu mối quy đổi USD sang VNĐ. Sau đó, chị Thùy nhắn tin hoặc gọi điện bằng Messenger cung cấp danh tính, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng người thụ hưởng để Linh chuyển khoản cho họ.

"Từ tháng 7/2023 đến nay, tôi không gửi tiền về Việt Nam nhưng Linh và một số người bạn ở Việt Nam thông báo hacker đã giả mạo tin nhắn Messenger của tôi yêu cầu họ chuyển tiền cho một số người lạ. Kết cục là trong tháng 10/2023, một người bạn của tôi bị kẻ gian đánh lừa chuyển khoản 80 triệu đồng. Đặc biệt, vào đầu tháng 1-2024, hacker tiếp tục tấn công Messenger và giả mạo danh tính của tôi, tạo ra nhiều tình huống khẩn cấp để chỉ định người em của tôi chuyển khoản, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng" - chị Minh Thùy nói.

Tiếp xúc với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Lê Thương - em ruột chị Minh Thùy - cho biết thông qua tin nhắn điện thoại, Zalo, Viber, Messenger, anh thường chia sẻ các tin tức cá nhân, gia đình… đến bạn bè và người thân.

Thông tin mới nhất là tháng 9/2024, con của anh Lê Thương sẽ được nhà trường cử đi học tại Mỹ 1 năm theo chương trình trao đổi sinh viên.

Thế nên từ Mỹ, chị Minh Thùy nhắn tin Messenger bàn với anh Lê Thương chuẩn bị sẵn VNĐ trong tài khoản để thay vì gửi USD về cho bạn bè hoặc cho các chùa ở Việt Nam thì chị sẽ báo cho anh Thương chuyển khoản cho người nhận. Như vậy, chị Minh Thùy sẽ cất giữ một số ngoại tệ để con anh Lê Thương chi tiêu trong thời gian đi học ở Mỹ.

Kịch bản hoàn hảo đến không ngờ

"Có thể hacker đã xâm nhập vào nhóm Messenger gia đình tôi, nắm bắt đầy đủ thông tin các thành viên rồi giăng bẫy như thật để lừa tôi chuyển tiền cho người lạ" - anh Lê Thương nói. Anh Thương cho biết cái bẫy chúng giăng ra lúc 9 giờ ngày 8/1. Lúc đó, group Messenger của gia đình anh chộn rộn về việc bị hacker tấn công. Do thông tin mọi người đưa ra rất lộn xộn, câu chữ không rõ ràng… nên anh Thương nghi ngờ hacker đang can thiệp vào group gia đình. Theo đó, anh Thương nhắn tin riêng Messenger cho chị Minh Thùy dừng lại việc gửi tiền giúp đỡ các chùa ở Việt Nam, vì có thể bị lừa đảo.

Lập tức, hacker liền giả danh chị Minh Thùy trả lời do gần Tết Nguyên đán nên các chùa đang rất cần tiền để trang trải chi phí sinh hoạt. Hacker này còn nhắn tin đề nghị anh Thương chuyển vào tài khoản của người tên Hòa tại Ngân hàng BIDV số tiền lần lượt 30 triệu, 90 triệu và 108 triệu đồng.

Đề phòng lừa đảo, anh Thương liền gọi điện thoại hỏi Hòa - người nhận tiền có phải là nhà chùa và yêu cầu người này chụp hình căn cước công dân để xác nhận thông tin. Tuy vậy, Hòa cho biết đang đi công tác tại Hà Nội nên không gửi được.

Bán tín bán nghi, anh Thương nhiều lần gọi điện bằng Messenger cho chị Minh Thùy để xác minh yêu cầu chuyển tiền nhưng tất cả cuộc gọi đều không thực hiện được.

"Hacker nhắn tin thông báo mạng yếu không nghe điện thoại được, yêu cầu nhắn tin qua Messenger. Cứ thế, trong gần 60 phút, hacker gửi tin nhắn, xưng hô với tôi hết sức gần gũi theo tên gọi trong nhà mà chị Minh Thùy thường nói chuyện trong hàng chục năm qua. Biết tôi đang cân nhắc việc chuyển tiền, Hacker liền thuyết phục và thúc giục: "người ta đang gặp khó khăn, cần tiền gấp, em cố gắng tranh thủ chuyển sớm để họ giải quyết công việc…". Từ đó, tôi mất cảnh giác, tin rằng chị Minh Thùy và mọi tin nhắn qua lại là người thật - việc thật. Kết cục, tôi đã chuyển 208 triệu đồng vào tài khoản do hacker chỉ định. Ngay sau đó, chúng liền đánh sập Messenger chị Minh Thùy, cắt đứt mọi liên lạc. Tôi mới nhận biết mình đã sập bẫy lừa đảo" - anh Lê Thương kể lại quá trình bị hại.

Khó có cơ hội lấy lại tiền

Truy vết đối tượng lừa đảo, anh Thương liên hệ với BIDV, đề nghị ngân hàng này có biện pháp ngăn chặn giao dịch tài khoản của người tên Hòa. Tuy nhiên, BIDV cho biết Hòa đã chuyển toàn bộ số tiền đến ngân hàng khác. Các ngân hàng tiếp theo cũng cho hay kẻ gian đã chuyển tiền đến nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Vì thế, các ngân hàng đề nghị anh Thương trình báo vụ việc đến cơ quan công an, yêu cầu cơ quan này có văn bản đề nghị các ngân hàng liên quan phong tỏa số tiền anh Thương chuyển đến tài khoản của người tên Hòa, sau đó tiền được chuyển tiếp đến tài khoản nhiều người khác.

Tuy vậy, giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng của một ngân hàng lớn ở TP HCM cho biết các ngân hàng rất khó ngăn chặn đối tượng lừa đảo rút tiền. Bởi lẽ, chỉ sau vài phút nhận được tiền, các đối tượng này thường chia nhỏ số tiền và chuyển lòng vòng đến nhiều tài khoản của đồng bọn. Sau đó, chúng có thể đến trực tiếp ngân hàng hoặc sử dụng thẻ ATM để rút tiền mặt.

Trong khi đó, người bị lừa đảo chuyển tiền phải mất vài chục phút mới sực tỉnh, thông báo sự việc đến ngân hàng và công an. Khi công an và ngân hàng vào cuộc phong tỏa tài khoản thì đã quá muộn.

"Nếu công an và ngân hàng kịp thời phong tỏa tài khoản nhóm lừa đảo thì anh Thương vẫn phải mất rất nhiều thời gian mới nhận lại tiền. Lý do là vì số tiền của anh Thương đã bị nhóm lừa đảo chuyển từ người này đến người khác. Anh Thương không thể chứng minh được toàn bộ dòng tiền đó do mình chuyển khoản. Thế nên, chỉ khi công an bắt giữ toàn bộ nhóm này, đưa ra tòa xét xử, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại tiền theo phán quyết của tòa án" - giám đốc Trung tâm Chăm sóc khách hàng của ngân hàng nói trên giải thích 

Xác nhận thông tin qua Viber, Zalo, Messenger… không an toàn

Lắng nghe vụ việc của anh Lê Thương, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - cho rằng đối tượng lừa đảo đã cài phần mềm gián điệp vào điện thoại của chị Minh Thùy (chị ruột anh Thương) trong một thời gian dài.

Theo đó, chúng đã theo dõi, thu thập thông tin các mối quan hệ, thói quen, nhu cầu tài chính, thu nhập, cách xưng hô, giờ giấc làm việc... của bạn bè và các thành viên gia đình chị Minh Thùy.

Tiếp đến, các đối tượng này lên một kịch bản gần như không sai sót, giả danh chị Minh Thùy, đồng thời khống chế và điều khiển một số phương tiện liên lạc, thao túng tâm lý anh Lê Thương khiến anh mất tỉnh táo, tin tưởng chị ruột chỉ định chuyển tiền cho là có thật.

Theo ông Thắng, trong các giao dịch chuyển tiền và nhiều vấn đề quan trọng khác, người dân thường xác nhận thông tin bằng tin nhắn hay gọi điện bằng hình ảnh thông qua Viber, Zalo, Messenger... vẫn không an toàn vì các mạng xã hội này có thể bị hacker lừa đảo bất cứ lúc nào. "Vì thế, để hạn chế rủi ro, chúng ta có thể dùng email, nhắn tin và gọi điện thoại trực tiếp để xác nhận thông tin" - ông Thắng khuyến cáo.