Có ngân hàng sẽ tự đóng thẻ khi khách không sử dụng trong thời gian dài và khoanh nợ, tuy nhiên lại có những ngân hàng âm thầm tính phí, tính lãi, thậm chí tính lãi chồng lãi khi khách hàng có nợ xấu phát sinh từ chi tiêu thẻ.

Ngã ngửa vì chưa sử dụng thẻ đã mất cả triệu đồng tiền phí

Sau vụ việc khách hàng nợ thẻ tín dụng ngân hàng Eximbank 8,5 triệu đồng nhưng sau 11 năm bị tính lãi lên tới hơn 8,8 tỷ đồng đã gây xôn xao dư luận hơn 1 tuần qua, không ít người cũng đã chia sẻ những câu chuyện tréo ngoe liên quan đến việc sử dụng thẻ tín dụng nói riêng và thẻ ngân hàng nói chung.

Anh Nguyễn Đức P. cho biết, từ khi còn là sinh viên năm 2014 – 2015, một số ngân hàng đã đến tận trường mở thẻ ATM cho sinh viên nên anh đã mở 2 chiếc thẻ của 2 ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên anh chỉ sử dụng khoảng hơn 1 năm sau đó không còn sử dụng, trong tài khoản còn dư mỗi thẻ mấy chục nghìn đồng.

Khi đi làm, mỗi công ty lại trả lương qua một tài khoản khác nhau nên anh có thêm 3 chiếc thẻ ATM, 2 chiếc thẻ tín dụng. Mới đây, do chuyển công việc nên anh lại ra ngân hàng mà mình đã mở thẻ hồi sinh viên để mở tài khoản nhận lương.

Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, nhân viên ngân hàng thông báo anh còn nợ phí thường niên đối với thẻ ATM gần 500 nghìn đồng từ năm 2016, phải thanh toán hết thì mới mở lại thẻ được.

Anh P. thắc mắc vì sao ngân hàng không tự đóng thẻ khi không còn số dư và khách hàng không sử dụng lâu năm, đồng thời cũng không gửi thông báo về việc thu phí hàng tháng, nhân viên ngân hàng cho biết muốn đóng thẻ hoặc tài khoản, khách hàng phải ra phòng giao dịch làm thủ tục.

Đồng thời việc thu phí thẻ thì đã có trong hợp đồng mở thẻ ban đầu nên ngân hàng không thông báo.

Tá hỏa, anh P. đến các ngân hàng mà mình đã mở thẻ trước đó để đóng các thẻ không còn sử dụng. Trong đó, 2 thẻ ATM vẫn phát sinh phí khi không giao dịch, 3 thẻ còn lại ngân hàng đã tự động khóa khi hết số dư trong tài khoản và không phát sinh giao dịch trong thời gian dài.

Hai chiếc thẻ tín dụng thì 1 chiếc anh đang sử dụng không thu phí thường niên, còn 1 chiếc không sử dụng từ năm 2018 nhưng vẫn phát sinh tới hơn 1,1 triệu đồng tiền phí thường niên.

Anh P. bức xúc cho rằng việc ngân hàng thu phí có thể đúng theo quy định và hợp đồng mở thẻ, tuy nhiên, với việc không có bất kỳ thông báo gì tới khách hàng, ngân hàng nắm giữ tất cả các thông tin liên hệ như số điện thoại, email thì rõ ràng là không minh bạch, khiến khách hàng rơi vào cảnh "bỗng nhiên thành con nợ".

Cần hài hòa lợi ích

Trong những ngày gần đây, không ít người đã vội vã ra các ngân hàng để đóng các loại thẻ lâu năm không sử dụng để tránh rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu như trên.

Trên thực tế, chính sách thu phí, tính lãi của mỗi ngân hàng hiện nay là khác nhau. Một số ngân hàng sẽ trừ phí của khách hàng cho đến khi khách hàng đóng thẻ, tuy nhiên nhiều ngân hàng lại có chính sách tự động đóng thẻ khi không còn số dư và khách hàng không sử dụng thời gian dài.

Theo lãnh đạo Agribank, khi tài khoản khách hàng không đủ số dư tối thiểu và không hoạt động trong vòng 12 tháng sẽ được ngân hàng đưa vào chế độ tài khoản "ngủ", không hạch toán thu phí. Nếu 36 tháng tiếp theo tài khoản vẫn không hoạt động thì Agribank thực hiện đóng tài khoản.

"Vì theo chế độ mặc định, định kỳ hệ thống phải tự động quét dữ liệu, hạch toán lãi, phí phát sinh trong kỳ, sẽ làm tốn tài nguyên của hệ thống công nghệ (tựa như sim rác phải bị thu hồi)" – lãnh đạo Agribank cho biết.

Trong trường hợp nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng lại tài khoản trong 48 tháng thì đề nghị ngân hàng khôi phục lại tài khoản và nộp thêm tiền để đủ số dư tối thiểu. Còn nếu sau 48 tháng thì khách hàng mở lại tài khoản mới.

Liên quan đến cách tính lãi thẻ tín dụng, trong khi nhiều ngân hàng tính lãi chồng lãi, nghĩa là gộp cả lãi chậm trả vào tiền gốc để tính lãi, thì một số ngân hàng lại tự động "đóng băng" dư nợ gốc.

Tại Agribank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, Agribank sẽ thu phí chậm trả tính trên số tiền thanh toán tối thiểu chưa được thanh toán. Số tiền phí này được thể hiện trên sao kê kỳ tiếp theo.

Trường hợp sau 2 kỳ sao kê liên tiếp, vào ngày đến hạn thanh toán, nếu khách hàng không thanh toán hoặc thanh toán không đủ số tiền thanh toán tối thiểu, hệ thống Agribank sẽ tự động khóa thẻ và tính lãi quá hạn với lãi suất bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn trên toàn bộ dư nợ gốc.

Như vậy, chẳng hạn với trường hợp khách hàng có dư nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, thì sau 11 năm, lãi quá hạn mà khách hàng phải trả sẽ chỉ là 8,5 triệu x19.5% (lãi phạt bằng 159% lãi trong hạn) x11 năm, tương đương hơn 18,3 triệu đồng.

Dù có cách tính phí và lãi khác nhau, nhưng điều này là không trái quy định, bởi điều này là do thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng trong hợp đồng mở thẻ, các quy định pháp luật cũng chưa quy định thống nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các ngân hàng cần có chính sách hài hòa lợi ích để thu hút và giữ chân khách hàng.

Chuyên gia cũng khuyến cáo khách hàng cần sử dụng thẻ một cách thông minh, chỉ mở tài khoản ngân hàng hoặc mở thẻ khi cần thiết, không mở tràn lan, đọc kỹ hợp đồng mở thẻ, chi tiêu thiếu kiểm soát đối với thẻ tín dụng...

Nhật Linh / An Ninh Thủ Đô

Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/ngan-hang-map-mo-tinh-phi-lai-khach-hang-mo-the-tran-lan-nga-ngua-vi-bong-dung-mac-no-post570548.antd