Mùa lễ hội đầu năm còn dài, các điểm di tích, danh lam thắng cảnh thu hút đông đảo du khách. Nhằm phục vụ hoạt động lễ hội, những quán ăn thời vụ mọc lên như nấm sau mưa, trong đó có nhiều hàng quán không đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, cần được quản lý chặt chẽ.
Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một clip đăng tải hình ảnh một chủ hàng nước mía tại khu vực đền Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) dồn nước mía khách uống thừa để bán tiếp. Đó là ví dụ mang tính cảnh báo về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực tổ chức lễ hội đầu năm - nơi có những cửa hàng dạng "di động" phục vụ đủ mọi loại đồ ăn, thức uống như nước mía, nước chanh, nước ngọt, xúc xích, bánh mì, kem... Nhiều người bán hàng chỉ cần một vài thùng xốp, dăm ba chiếc ghế nhựa, dụng cụ nướng, rán đồ ăn vặt là có thể phục vụ khách. Các lễ hội thường tổ chức ở ngoài trời nên phía cung cấp dịch vụ ăn uống không đủ điều kiện ngăn gió bụi, mưa nắng, ruồi nhặng, gián chuột khiến thực phẩm dễ bị nhiễm bẩn, ôi thiu...
Trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm ở lễ hội, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan trên địa bàn tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ lễ hội; tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở này.
Về chế tài xử lý, mức xử phạt đối với hành vi gây mất an toàn thực phẩm có thể đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng đối với cơ sở sản xuất quy mô lớn. Tuy vậy, dù cơ quan chức năng đã tích cực ra quân thanh tra, kiểm tra nhưng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa lễ hội vẫn hiển hiện. Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống có đăng ký, hiện vẫn có nhiều hàng quán tự phát, xe đẩy, gánh hàng rong bán các loại thực phẩm, nước giải khát... chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều khu di tích thu hút đông đảo khách trong mùa lễ hội cũng như có nhiều hàng quán thức ăn đường phố nổi tiếng. Trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm Phạm Thị Thanh Nhàn cho biết, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội gặp không ít khó khăn. Đơn cử như đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại tuyến phường còn mỏng, nhân sự thường xuyên thay đổi nên khó tập trung cho công tác an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với hoạt động kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn có diện tích nhỏ, hẹp, một số cơ sở kinh doanh không cố định nên gây khó khăn cho công tác quản lý.
Nâng cao ý thức của người dân
Xác định con người là nhân tố quan trọng trong việc bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, thân thiện, văn minh, những năm qua, UBND huyện Mỹ Ðức đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho nhân dân. Ngay từ giáp Tết Nguyên đán, UBND huyện tổ chức các buổi tập huấn cho hàng trăm người dân, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú tại khu vực chùa Hương. Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2024 đã thành lập các tổ kiểm tra liên ngành nhằm kiểm soát tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn, công tác tuyên truyền, ký cam kết với 318 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, tập huấn, khám sức khỏe cho người tham gia chế biến thực phẩm đã được thực hiện từ sớm. Nếu để xảy ra vi phạm về an toàn thực phẩm, chủ cơ sở sẽ bị xử phạt thích đáng.
Trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2024, huyện Mỹ Đức đã thành lập 25 đoàn kiểm tra, trong đó có 3 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 22 đoàn kiểm tra tuyến xã, thị trấn. Ông Trần Ngọc Tráng, Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho biết: "Tại Lễ hội chùa Hương năm nay, có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Tính đến ngày 23-2, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm của huyện đã kiểm tra được 12/97 cơ sở. Kết quả, có 5 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 7,2 triệu đồng".
Theo ông Tráng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại đây chủ yếu mang tính chất hộ gia đình kinh doanh thời vụ. Trước khi lễ hội diễn ra, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn, khám sức khỏe cho những người tham gia chế biến thực phẩm, đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết; nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm, không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở sẽ phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt.
Ngay trong những ngày vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại Lễ hội chùa Hương. Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành thành phố yêu cầu các cơ sở duy trì việc bảo quản thực phẩm tươi sống đúng quy định, có tủ chuyên dụng bảo quản, che đậy thực phẩm; đồng thời yêu cầu Phòng Y tế huyện bố trí lực lượng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách về an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp lễ hội, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã tập trung kiểm tra hàng quán dịch vụ xung quanh các đền, chùa, khu di tích thu hút đông khách tham quan nhằm đảm bảo một mùa lễ hội an toàn cho du khách. Cụ thể, Hà Nội đã thành lập 671 đoàn thanh tra, kiểm tra. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, các đoàn đã kiểm tra hơn 5.700 cơ sở, trong đó có 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong nhận định: "Các lễ hội trên địa bàn Hà Nội, như lễ hội chùa Hương, tiêu thụ lượng lớn thực phẩm. Trong đó, nhiều mặt hàng được nhập về từ các tỉnh, thành phố lân cận. Do đó, người bán hàng tại đây cần đảm bảo ghi chép về nguồn gốc sản phẩm, các doanh nghiệp ký cam kết, đảm bảo cung cấp thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường ra quân kiểm tra đồng loạt từ cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn, qua đó kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vi phạm quy định về an toàn thực phẩm".
Bên cạnh đó, để bảo đảm sức khỏe bản thân, người tham gia lễ hội khi có nhu cầu ăn uống cần tìm đến những hàng quán được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, những hàng quán có không gian sạch sẽ. Người dân tuyệt đối tránh sử dụng những món ăn không có dụng cụ che đậy, bảo quản, bị ruồi muỗi bu bám; không ăn những món ăn sống, tái...; không sử dụng thực phẩm có mùi lạ. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm thì cần đưa ngay người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/quan-chat-hang-quan-thoi-vu-661027.html