Cho dù bên nào đứng sau vụ đánh bom đẫm máu ở Iran thì đây cũng là diễn biến có nguy cơ làm bùng phát xung đột trên toàn Trung Đông

Cho đến nay chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép làm chết ít nhất 84 người và làm bị thương hơn 280 người ở Iran ngày 3/1.

Đánh bom kép đẫm máu

Hai quả bom đã phát nổ cách nhau 20 phút, nhằm vào dòng người đang di chuyển đến mộ Tướng Qassem Soleimani ở TP Kerman, cách thủ đô Tehran khoảng 820 km về phía Đông Nam, nhân dịp 4 năm ngày mất của ông. 

Tướng Soleimani là chỉ huy của lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran và ông thiệt mạng trong một vụ không kích của Mỹ tại Iraq vào năm 2020.

Trung Đông nóng bỏng- Ảnh 1.

Hiện trường vụ đánh bom đẫm máu ở TP Kerman - Iran ngày 3/1. Ảnh: REUTERS

Nhiều quan chức Iran nhanh chóng chĩa nghi ngờ vào Israel, song các quan chức Mỹ như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby… đều cho rằng không phải. 

Israel từng tiến hành nhiều vụ tấn công ở Iran để cản trở chương trình hạt nhân của nước này nhưng phương thức thường dùng là ám sát có mục tiêu chứ không phải đánh bom gây thương vong hàng loạt. 

Washington dồn chú ý nhiều hơn vào Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc các nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni khác - vốn từng gây ra nhiều vụ tấn công lớn nhằm vào người Shiite chiếm đa số ở Iran.

Căng thẳng Israel - Hezbollah

Vụ đánh bom kép đẫm máu ở Iran xảy ra chỉ một ngày sau khi phó thủ lĩnh nhóm vũ trang Hamas bị giết ở Beirut, thủ đô Lebanon. Theo AP, Hamas xác nhận ông Saleh al-Arouri, cũng là đồng sáng lập cánh quân sự của nhóm này, cùng 6 thành viên Hamas khác thiệt mạng trong một vụ nổ bí ẩn. 

Một quan chức an ninh Lebanon giấu tên tiết lộ có thể một máy bay không người lái đã phóng tên lửa vào tòa nhà có mặt ông Arouri, chọn đúng một tầng duy nhất.

 Israel từ lâu cáo buộc ông Arouri, 57 tuổi, là người chỉ đạo các vụ tấn công ở khu Bờ Tây. Trước đó hơn một tuần, Israel cũng bị nghi không kích giết chết ông Seyed Razi Mousavi, tướng Iran làm cố vấn ở Syria.

Dù Israel không bình luận gì về vụ việc ở Beirut song tuyên bố ngày 3/1 của ông David Barnea, Giám đốc Cơ quan Tình báo Mossad, dường như là lời ám chỉ mạnh mẽ nhất. 

Ông Barnea khẳng định Mossad sẽ săn lùng từng thành viên Hamas dính líu vào vụ tấn công ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng, bất kể họ ở đâu.

Vụ không kích xảy ra ngay trong "căn cứ" của Hezbollah ở phía Nam Beirut có nguy cơ thổi bùng giao tranh nhỏ lẻ lâu nay giữa lực lượng này và Israel. 

Đại sứ quán Lebanon ở Mỹ cam đoan với chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng sẽ không để tình hình biên giới Israel - Lebanon leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, theo tờ The Guardian (Anh), Beirut không phải lúc nào cũng lường được tính toán của Hezbollah. 

Tương tự, theo đánh giá của một nhà ngoại giao châu Âu, bất kể sức ép ngày càng tăng từ Washington, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nội các của ông vẫn có lập trường riêng mạnh mẽ về các vấn đề an ninh quốc gia.

Reuters cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khởi hành đi Trung Đông vào tối 4-1 (giờ địa phương). Một trong số các mục đích của chuyến thăm khu vực lần thứ 4 kể từ tháng 10/2023 này là cố gắng xoa dịu căng thẳng giữa Israel và Hezbollah. 

Lúc này, như Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant chỉ ra, Israel vẫn tập trung vào cuộc xung đột ở Dải Gaza. Hơn 22.300 người đã thiệt mạng kể từ khi Israel đáp trả cuộc tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, song có vẻ còn lâu Israel mới đạt được mục tiêu loại trừ Hamas và cứu khoảng 129 con tin còn bị giam giữ.

Với nhiều cuộc giao tranh đang diễn ra theo nhiều mức độ khác nhau, tính toán sai lầm là một nguy cơ lớn thường trực. Có thể lấy tình hình biển Đỏ làm ví dụ. Sau khi trực thăng Mỹ đánh chìm 3 tàu nhỏ và giết 10 tay súng của lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn ngay trong ngày đầu năm 2024, rõ ràng việc không kích trực tiếp các địa điểm phóng tên lửa và trung tâm chỉ huy của nhóm này ở Yemen không còn bị loại trừ.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 3/1, Mỹ và 11 đồng minh trong liên minh trên biển Đỏ thẳng thừng cảnh cáo Houthi sẽ phải "chịu toàn bộ hậu quả" nếu còn tấn công tàu thuyền thêm nữa.