Lợi dụng danh nghĩa báo chí, Lê Bảo Ngọc hứa hẹn nhiều chủ xe, tài xế đường dài can thiệp, 'bảo kê' không bị cảnh sát giao thông nhiều tỉnh, thành xử lý hoặc xử lý với lỗi nhẹ.

VKSND tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 12 bị cáo môi giới, 'bảo kê' cho xe quá tải qua trạm cảnh sát giao thông (CSGT) Suối Tre. Trong đó, bị can Lê Bảo Ngọc (33 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) là người duy nhất bị cáo buộc 2 tội danh "Môi giới hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh, bị can Lê Bảo Ngọc có thời gian làm phóng viên của Tạp chí Quê hương ngày nay (là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội phân bón Việt Nam); cộng tác viên của tạp chí Nhân đạo (là cơ quan ngôn luận của Hội chữ thập đỏ Việt Nam).

Vụ môi giới hối lộ qua trạm Suối Tre: Lợi dụng danh nghĩa báo chí, 'bảo kê' xe qua hàng loạt tỉnh thành- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Ngọc còn là lái xe của ông Lê Danh Tạo (SN 1966, nguyên trưởng Văn phòng đại diện báo Truyền hình Pháp luật khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đã bị Công an Hà Tĩnh bắt giam vào tháng 11-2023) nên có quen biết với nhiều CSGT trên các tuyến đường miền Trung-Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Từ đó, Ngọc nảy sinh ý định thành lập Công ty TNHH thương mại Bảo Ngọc Transport  tại Hà Tĩnh để che đậy việc Ngọc thu tiền hàng tháng của các chủ xe, lái xe ô tô tải chạy đường dài trên các tuyến quốc lộ qua các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông…

(NLĐO)- VKSND tỉnh Đồng Nai cáo buộc tài xế riêng của nguyên Trạm trưởng CSGT Suối Tre đã móc nối, nhận tiền của nhiều người để 'làm luật' cho các xe quá tải qua trạm.

Cụ thể, Ngọc bán logo 'Công ty Bảo Ngọc' cho các chủ xe, lái xe để dán trên kính các xe ô tô với giá từ 6 triệu đồng đối với xe chở nông sản thông thường, 8 triệu đồng đối với xe chở gia súc, gia cầm.

Để các chủ xe, lái xe đóng tiền, Ngọc hứa hẹn nếu xe chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ, quá tốc độ mà bị lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra thì gọi điện thoại cho Ngọc để Ngọc can thiệp cho đi mà không bị xử lý hoặc nếu bị lập biên bản xử phạt thì chỉ xử phạt với lỗi nhẹ.

VKSND cáo buộc Lê Bảo Ngọc đã trực tiếp nhận tiền của các lái xe, chủ xe tổng số tiền 565 triệu đồng.

Còn bị can Hoàng Thị Việt Hà cùng góp vốn thành lập Công ty Bảo Ngọc Transport, Hà tích cực giúp Ngọc thực hiện thu tiền của các chủ xe, lái xe thông qua việc sử dụng điện thoại nhắc các chủ xe, lái xe chuyển tiền vào tài khoản của Ngọc vào ngày 15 hàng tháng.

Sau đó Hà chuyển tiền lại cho Ngọc, tổng số tiền Hà trực tiếp nhận của các lái xe, chủ xe là 422 triệu đồng.

Sau khi các chủ xe, lái xe chuyển tiền, Ngọc hướng dẫn họ dán logo Công ty Bảo Ngọc trước đầu xe để làm ký hiệu cho lực lượng CSGT biết.

Đồng thời, Ngọc thống kê biển số các xe để in ra tờ A4 rồi sử dụng xe ô tô cá nhân đi đến một số trạm tuần tra kiểm soát của CSGT trên tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 tự xưng là phóng viên, cộng tác viên và đưa bản danh sách các biển số xe tải cho lực lượng CSGT để nhờ họ giúp. Tuy nhiên, các CSGT mà Ngọc gặp đều từ chối.

Tin tưởng Ngọc là nhà báo và sự hứa hẹn của Ngọc, 21 người là chủ xe, lái xe đã bị Ngọc chiếm đoạt là gần 1 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt được Ngọc và Hà đã tiêu xài hết, đến nay chưa bồi thường cho bị hại.

Theo cáo trạng, có những vụ, xe Ngọc 'bảo kê' quá tải, quá tốc độ…bị CSGT giao thông dừng xe kiểm tra và xử phạt.

Tuy nhiên, có những vụ xe vi phạm bị CSGT chặn, lái xe gọi cho Ngọc thì vài phút sau xe vi phạm vẫn được đi.

Cụ thể, xe ô tô của một tài xế ngụ tỉnh Gia Lai bị kiểm tra trọng tải tại Trạm cân Sao Mai thuộc tỉnh Kon Tum. Làm theo lời Ngọc dặn, tài xế này nói là xe của Công ty Bảo Ngọc để được bỏ qua lỗi vi phạm nhưng CSGT không đồng ý. Sau đó, tài xế này gọi điện cho Ngọc thì  khoảng 15 phút sau, CSGT cho xe đi mà không cần cân nữa.

Một tài xế khác, xe bị trạm CSGT Cây Gạo, tỉnh Gia Lai kiểm tra. Tài xế này xuống nói là xe của Công ty Bảo Ngọc, cán bộ CSGT yêu cầu tài xế gọi điện cho Ngọc để xác định xem có đúng không.

Tài xế đã gọi cho Ngọc, khoảng 5 phút sau xe của tài xế này được cho đi mà không bị kiểm tra hoặc lập biên bản.

Ngọc còn có môi giới hối lộ, giới thiệu Trương Công Quang cho một nhà xe nhằm 'bảo kê' xe đi qua tỉnh Đồng Nai không bị lực lượng CSGT xử phạt.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đồng Nai, Trần Quang Tân (lái xe riêng của Trung tá Lê Ánh Dương, nguyên Trạm trưởng Trạm Cảnh sát giao thông Suối Tre) đã câu kết với Trương Công Quang, Nguyên Đăng Khoa, Trần Thị Diệu Hoa thực hiện hành vi môi giới hối lộ, nhận tiền của các đối tượng là chủ xe, lái xe có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích hối lộ CSGT để bỏ qua, không kiểm tra, xử phạt vi phạm.

Sau khi nhận tiền của Trương Công Quang, Nguyễn Đăng Khoa, Trần Thị Diệu Hoa thì Trần Quang Tân trực tiếp đưa lại cho Trung tá Lê Ánh Dương bằng tiền mặt nhiều lần.

Tuy nhiên, Trung tá Lê Ánh Dương không thừa nhận lời khai của Tân và các bị can khác. Cơ quan điều tra đã tách hành vi và đang tiếp tục điều tra làm rõ vai trò của trung tá Lê Ánh Dương, nếu có căn cứ sẽ xử lý sau.

Cáo trạng cáo buộc Trần Quang Tân đã thực hiện hành vi môi giới hối lộ với tổng số tiền hơn 2,7 tỉ đồng. Bị can Tân không hưởng lợi từ hành vi môi giới hối lộ.

Uyên Châu / nld.com.vn

Nguồn: https://nld.com.vn/vu-moi-gioi-hoi-lo-qua-tram-suoi-tre-loi-dung-danh-nghia-bao-chi-bao-ke-xe-qua-hang-loat-tinh-thanh-196240227133132761.htm