Sau vụ học sinh lớp 8 bị đánh thương tích nặng, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, bị can, bắt giam T.V.M (SN 2008) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Vậy, theo quy định, người 16 tuổi gây thương tích bị xử lý thế nào?

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, khoảng 15h ngày 17/3, cháu T.V.K (SN 2012, trú tại quận Long Biên) chơi tại khu vực đình Lệ Mật thì phát sinh mâu thuẫn và bị cháu N.H.Đ tát vào mặt. Cháu T.V.K chạy đi gọi anh trai là T.V.M để nhờ giải quyết mâu thuẫn.

Khi 2 anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật thì gặp bố đẻ là anh T.V.T và kể lại sự việc. Anh T.V.T chở 2 con bằng xe máy ra sân đình Lệ Mật để xem ai đánh. Khi đến khu vực đình Lệ Mật, anh T bảo 2 con đi vào sân đình gặp ông nội, còn anh T quay xe định ra về.

Ngay sau đó, anh T thấy cháu M chạy vào đấm làm cháu Đ ngã ra đất thì vào can ngăn rồi chở con về nhà. Khi anh T trở lại khu vực sân đình Lệ Mật thì thấy cháu Đ có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa cháu Đ vào bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu, sau đó chuyển bệnh viện 108 điều trị. Hậu quả là cháu Đ bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao. Hiện vụ việc đang tiếp tục được xác minh, làm rõ.

Phân tích vụ việc dưới góc độ về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo Điều 12 BLHS 2015, người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS 2015.

Như vậy, đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, người từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm:

Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Đối với người dưới 16 tuổi; Có tổ chức; Có tính chất côn đồ; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân….

Khung hình phạt cao nhất cho tội này là tù chung thân. Ngoài ra, người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm…hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Không chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự, người có hành vi phạm tội còn phải chịu trách nhiệm dân sự. Nếu bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, thì cá nhân đó hoặc người giám hộ hợp pháp phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe của nạn nhân bị xâm phạm.

Tiền bồi thường gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L / An Ninh Thủ Đô

Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/tu-vu-hoc-sinh-lop-8-bi-danh-gay-thuong-tich-nang-nguoi-16-tuoi-pham-toi-bi-xu-ly-ra-sao-post571449.antd