Khác với những năm trước, thị trường pháo hoa Tết năm nay kém sôi động dù giá cả ổn định.

Sức mua chậm, thị trường kém sôi động

Theo quy định, dịp Tết Nguyên đán 2024, người dân được phép sử dụng những loại pháo hoa không gây tiếng nổ do Công ty TNHH MTV hoá chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng sản xuất.

Kinh tế - Cận Tết, thị trường pháo hoa vẫn

Bảng giá niêm yết sản phẩm pháo hoa của nhà máy Z121. Nguồn: Website DN/ báo Đại Đoàn Kết. 

Tại cơ sở kinh doanh pháo hoa số 3 (quận Cầu Giấy, Hà Nội), giá bán của giàn phun viên dao động từ 350.000 - 450.000 đồng/giàn, chênh lệch khoảng 50.000 đồng/giàn so với giá niêm yết của nhà máy.

Tại cơ sở kinh doanh pháo hoa số 11 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Vũ Nghĩa - chủ cửa hàng cho biết giá bán của giàn phun viên được bán theo giá niêm yết của nhà máy, dao động từ 250.000 - 400.000 đồng/giàn. "Chúng tôi bán theo giá niêm yết, cam kết không đẩy giá vì như vậy là sai quy định", anh Nghĩa thông tin thêm.

Tuy nhiên, khác với hình ảnh xếp hàng dài để được mua pháo hoa thì hiện nay, nhiều cửa hàng cho biết sức mua vẫn còn chậm, lượng mua giảm mạnh so với năm ngoái.

Tại đại lý pháo hoa trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa, Hà Nội), chủ cơ sở kinh doanh cho biết đã bán hết số lượng pháo nhập từ trước và chưa có ý định nhập thêm vì sợ không tiêu thụ được.

Anh Vũ Nghĩa, chủ cửa hàng pháo hoa số 11 chia sẻ, gần đây anh đã kết hợp vừa bán tại đại lý vừa bán online, thế nhưng việc kinh doanh vẫn chậm, không bằng những năm trước. "Người mua cứ hỏi giá xong lại thôi, tôi cũng không dám nhập nhiều hàng vì chỉ còn nửa tháng nữa là Tết", anh Nghĩa nói.

Tương tự, đại diện một đại lý bán pháo hoa khác ở Hà Nội cho biết doanh thu chỉ khoảng 50% cùng kỳ năm ngoái. Sức mua dịp tết Dương lịch vừa qua giảm 40% so với năm ngoái.

Nguyên nhân được đại lý này nhận định là do người dân thắt chặt chi tiêu nên pháo hoa là mặt hàng không được ưu tiên như những mặt hàng thiết yếu. Người dân thường chờ đến sát Tết mới ra quyết định.
Ngoài ra, số lượng các điểm bán pháo hoa Z121 trong khu vực ngày càng tăng nên các cửa hàng khác cũng phải chia sẻ thị phần, là một nguyên nhân khác khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Loạn giá trên mạng

Bên cạnh việc tìm mua tại các cơ sở kinh doanh chính thức, người dân không khó để tìm mua những sản phẩm pháo hoa trên "chợ mạng" với những lời quảng cáo "có cánh" như "đảm bảo rẻ nhất thị trường" hay "bắn tới đâu tài lộc tới đó".

Dù vậy, trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook…, các đầu nậu đua nhau lập nhóm, chụp ảnh, đăng bán với giá cao hơn giá niêm yết của nhà máy từ 100.000-300.000 đồng/giàn, thậm chí có đầu nậu bán giá chênh tới gần 400.000 đồng/giàn.

Kinh tế - Cận Tết, thị trường pháo hoa vẫn

Anh Nguyễn Tuân (ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) thì cho biết, do năm ngoái không xếp hàng được để mua pháo hoa ở các đại lý nên anh chọn mua trên mạng vì thuận tiện. Mức giá chi trả khoảng 900.000 đồng/giàn (đắt gấp đôi giá niêm yết) nhưng sát Tết giá chỉ đắt hơn khoảng 100.000 đồng. Bởi thế, năm nay anh đợi sát Tết mới mua.

Nhiều người cũng cho biết Tết năm ngoái, ban đầu giá bị đẩy lên tới 2-3 lần, đến gần tết thì đua nhau "đại hạ giá" và bày bán khắp đường. Vì thế, năm nay, nhiều người đủng đỉnh, chưa vội mua.

Chủ một đại lý pháo hoa tại phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay, do nhiều người bất chấp lợi nhuận đẩy giá cao nên các sản phẩm pháo hiện tại đã dần bị "quên lãng". Bên cạnh đó, việc nhiều người bán online, chưa rõ có đủ giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ hay không cũng là yếu tố cạnh tranh lớn, làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các đại lý chính thức.

Ngoài ra, người dân cũng e dè với việc sử dụng pháo bởi cho dù là pháo không gây tiếng nổ nhưng cũng không ngoại trừ nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Từ lâu nay, tiếng pháo hoa đã trở thành một âm thanh quen thuộc trong mỗi dịp Tết đến, xuân về của người Việt. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, người dân có nhu cầu mua pháo hoa cần liên lạc với những đại lý được cấp phép chính thức và phải tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi sử dụng.

Bộ Công thương cho biết, dịp tết Dương lịch vừa qua, 2 đại lý bán pháo hoa tại Tp.Hà Nội của Nhà máy Z121 đã bị đình chỉ vì cố tình bán cao hơn giá quy định.

Bộ này khuyến cáo người mua cũng cần lưu ý việc mua bán pháo hoa trên mạng xã hội (ngoài phạm vi đại lý của Z121) là trái quy định. Mặt khác, nếu mua trôi nổi thì nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu của Bộ Quốc phòng.

Theo báo Giao Thông, tại Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất Nhà máy Z121 được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa hợp pháp ra thị trường. Để được phép sử dụng, người mua phải được cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ (có tên trên hóa đơn) kèm theo để xuất trình nếu có cơ quan chức năng kiểm tra.

Minh Hoa (t/h) / nguoiduatin.vn

Nguồn: https://nguoiduatin.vn/can-tet-thi-truong-phao-hoa-van-am-dam-a646435.html