Nguồn hiến mô tạng từ người chết tim tiềm năng tại Việt Nam rất nhiều, vì vậy các chuyên gia đề xuất đưa nội dung hiến tạng từ người cho chết tim vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi.

Thông tin trên được PGS-TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, cho biết tại hội thảo hiến mô tạng từ người chết tim tại Việt Nam, ngày 29-2 ở Hà Nội.

Ông Hệ cho biết Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não, chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim.

Vì sao đề xuất hiến mô tạng từ người chết tim?- Ảnh 1.

Chuyên gia đề xuất bổ sung quy định hiến tạng từ người chết tim

Người chết tim hiến được những mô tạng nào?

Trong khi đó, 20 năm qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh, tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Nhiều nước như Tây Ban Nha, Pháp, Úc, Ireland, Trung Quốc... đã hiến mô tạng từ người chết tim.

Gần 10 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện hơn 6.700 ca ghép thận. Trong đó, 64% thận hiến từ người sống, 19% thận hiến từ người chết tim sau chết não, 17% thận hiến từ người chết não. Số lượng hiến tạng từ người chết tim tại Trung Quốc tăng nhanh chóng trong năm gần đây.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết hiện chưa có luật quy định về hiến mô tạng từ người chết tim. Việc đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi tới đây giúp người bệnh suy tạng có thêm cơ hội được chữa bệnh hiểm nghèo, gia tăng tỉ lệ hiến mô tạng sau chết, chết não và chết tim.

"Chết tim có thể hiến phổi, thận, gan, tụy, còn lại những mô khác vẫn có thể hiến được. Ví dụ như giác mạc, da, xương, gân mạch, máu. Khi tim không đập nữa, ngừng tim nhưng giới y khoa có nhiều cách để giúp cho những quả thận, những lá phổi, lá gan và những tạng khác vẫn sống, vẫn có thể ghép được cho người khác"- PGS Hệ nói.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), cũng cho rằng cần bổ sung hiến mô tạng từ người chết tim vào luật.

Ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô tạng còn chức năng để ghép. Trên thế giới, nguồn hiến từ người chết não hay chết tim đã tăng cao.

Vì sao đề xuất hiến mô tạng từ người chết tim?- Ảnh 2.

Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng, Bệnh viện Chợ Rẫy

Theo bác sĩ Thu, hiện nay Việt Nam chưa có quy định về người hiến chết tim. Các nhà chuyên môn cần xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn trong hiến tạng từ người chết tim, bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật.

Xây dựng quy trình chẩn đoán

Về việc này, ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho rằng cần phải xây dựng quy trình chẩn đoán chết tim nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Bộ tiêu chuẩn chẩn đoán chết tim đảm bảo các tiêu chí an toàn về pháp lý. Hiện trên thế giới đã nhiều nơi có bộ tiêu chuẩn này.

Về đề xuất của các chuyên gia đưa hiến mô tạng từ người chết tim vào luật, đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) ủng hộ bổ sung hiến mô tạng từ người chết tim. Đồng thời, đề nghị các chuyên gia xây dựng bộ tiêu chí chẩn đoán chết tim trong thời gian tới.

N.Dung / nld.com.vn

Nguồn: https://nld.com.vn/vi-sao-de-xuat-hien-mo-tang-tu-nguoi-chet-tim-19624022918035399.htm