Nhiều cơ sở y tế duy trì lương thưởng đầy đủ cho nhân viên để lo Tết song cũng có nơi không có thưởng cuối năm

Chị N.T.H. đang làm điều dưỡng tại một bệnh viện (BV) ở thủ đô Hà Nội. Năm ngoái, chị được thưởng Tết 5 triệu đồng, năm nay dù chưa nhận được thông báo chính thức nhưng nghe ngóng cũng chưa thấy gì vui.

Bán hàng online để trang trải

Theo chị H., chị làm tại BV hơn 10 năm nhưng chưa khi nào có thưởng Tết được quá 10 triệu đồng. Từ năm 2020, do dịch COVID-19 và nhiều yếu tố khác nên tiền thưởng Tết và các khoản hỗ trợ đều giảm. "Lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng chỉ hơn 10 triệu đồng nên để trang trải cuộc sống và nuôi 3 con đang tuổi ăn học tôi phải làm thêm ngoài giờ từ bán hàng online đến làm ở phòng khám" - chị H. chia sẻ.

Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những cơ sở y tế có mức thưởng Tết cao. Trong ảnh: Các bác sĩ đang can thiệp một ca tim mạch  Ảnh: QUANG HÙNG

Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những cơ sở y tế có mức thưởng Tết cao. Trong ảnh: Các bác sĩ đang can thiệp một ca tim mạch  Ảnh: QUANG HÙNG

Bệnh viện Tim Hà Nội là một trong những cơ sở y tế có mức thưởng Tết cao. Trong ảnh: Các bác sĩ đang can thiệp một ca tim mạch .Ảnh: QUANG HÙNG

BV Phổi Hà Nội do "thu không đủ chi" nên năm nay CB-CNV không có thưởng Tết. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc BV, năm qua, BV còn khó khăn về nguồn tài chính, chưa lập được quỹ chi tiêu nội bộ nên không thể chi khoản này. Từ năm 2023, BV được công nhận là đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, ngân sách nhà nước không hỗ trợ hoặc cấp chi thường xuyên. Tuy nhiên, trên thực tế, đơn vị đã thực hiện tự chủ tài chính từ năm 2021. Sau thực hiện Nghị định 60 của Chính phủ (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập), đến nay khả năng tự chủ của BV chỉ đạt khoảng 86%, trong khi quy định là tự chủ 100%. Với nhóm bệnh nhân chủ yếu mắc bệnh mạn tính như lao phổi, thuộc diện nghèo nên BV không có thu nhập tăng thêm.

"Năm qua, BV vừa làm vừa trả nợ, cố gắng bảo đảm lương và phụ cấp nghề cho CB-CNV… Các khoản chi lớn hơn thu nên BV không có kết dư. Trong đợt này, BV đã sắp xếp các nguồn lực, trả lương đúng kỳ để nhân viên có khoản tài chính chi tiêu trong dịp Tết. Khó khăn về tài chính của cơ quan đều được mọi cán bộ, y - bác sĩ chia sẻ và đồng hành" - bác sĩ Chiến phân trần.

Tại TP HCM, nhiều BV công lập đã chi thưởng cho nhân viên, người lao động Tết Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy có nơi thưởng lên đến hàng chục triệu đồng nhưng nhiều chỗ với mức thưởng chỉ vài triệu.

Theo Sở Y tế TP HCM, mức thưởng Tết Nguyên đán 2024 tại các BV công lập trên địa bàn TP có sự chênh lệch, mức thưởng cao tập trung tại các BV chuyên khoa. Cụ thể: BV Da liễu thưởng 75 triệu đồng/người, BV Tai Mũi Họng trung bình mức thưởng khoảng 41 triệu đồng/người, BV Mắt là 20 triệu đồng/người, chưa bao gồm thu nhập tăng thêm và lương tháng 13; BV Nhân dân Gia Định thưởng 20-30 triệu đồng/người, Viện Tim thưởng 35 triệu đồng/người cùng với lương tháng 13… Riêng BV Chợ Rẫy, mức thưởng Tết từ 60 triệu đồng/người đến hơn 100 triệu đồng/người.

Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, cho biết là đơn vị trực thuộc Sở Y tế, nhiều năm qua, mức thưởng đơn vị vẫn duy trì ở 10-12 triệu đồng. Mức thưởng Tết năm nay ngang bằng với cán bộ công chức của sở. "Tết năm nay mỗi nhân viên được thưởng khoảng 10-12 triệu đồng. Mức thưởng này bao gồm thưởng, thu nhập tăng thêm, khoản chi tiêu tiết kiệm trong năm của đơn vị và tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 03 của HĐND TP HCM" - ông Trung nói.

Theo ông Trịnh Tố Tâm, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, tại các BV đa khoa, mức thưởng Tết dao động 5-7 triệu đồng/người. Trung tâm y tế các quận, huyện hỗ trợ nhân viên khoảng 2-3 triệu đồng/người. "Các đơn vị có mức thưởng cao dịp cuối năm hầu hết là các BV chuyên khoa. Ngoài mức thưởng Tết, các BV còn có thu nhập tăng thêm và khoản tiết kiệm chi tiêu trong năm. Do đó, cộng cả thưởng Tết và thu nhập tăng thêm, nhân viên y tế có nơi được lĩnh hàng chục triệu đồng, tuy nhiên cũng có BV không có thưởng Tết" - ông Tâm thông tin.

"Liệu cơm gắp mắm"

Theo các chuyên gia y tế, với việc thưởng Tết, các cơ sở y tế tự chủ động chi trả thưởng Tết cho nhân viên tùy theo tình hình và năng lực thực tế của đơn vị.

Bác sĩ Phạm Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc BV huyện Bình Chánh (TP HCM), cho biết đầu năm 2023, BV vẫn còn khó khăn nhiều nên năm ngoái chỉ thưởng tượng trưng. Năm nay, dù thưởng Tết cao hơn gấp 2-3 lần năm trước nhưng vẫn còn khiêm tốn, trung bình mỗi nhân viên nhận mức thưởng khoảng 5 triệu đồng. "Năm nay, số lượt khám, chữa bệnh tại BV tăng hơn khoảng 15%-20% so với cùng kỳ. Kết quả này là nhờ vào việc BV đã tập trung phát triển chuyên môn một số kỹ thuật mới như triển khai can thiệp tim mạch, phục hồi chức năng, phẫu thuật nội soi..." - bác sĩ Vũ cho biết.

Theo bác sĩ Vũ, trong năm 2024, BV tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, khám, chữa bệnh nhằm tạo sự tín nhiệm của nhân dân. Cụ thể, sẽ triển khai một số dự án như đơn vị chạy thận nhân tạo, đột quỵ, ngoại niệu đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, BV sẽ triển khai thêm khu khám tự nguyện theo yêu cầu kỹ thuật cao với nhân lực tại chỗ cộng thêm sự hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia BV tuyến trên. Ngoài ra, tăng cường giao tiếp, ứng xử giữa nhân viên y tế với người bệnh, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. "Mong rằng với những giải pháp trên, thu nhập của nhân viên năm sau tốt hơn năm trước giúp họ có động lực gắn bó với BV lâu dài" - bác sĩ Vũ bày tỏ.

Ông Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc BV Tim Hà Nội, cho biết năm 2023, số lượt khám chữa bệnh của đơn vị tăng 123%. Năm nay, mức thưởng Tết của nhân viên y tế tại đây tăng 15%, trung bình 40 triệu đồng/người. BV đẩy mạnh phát triển chuyên môn, từ thực hiện các kỹ thuật mới, chuyên sâu trong can thiệp tim mạch, chẩn đoán hình ảnh đến nội soi ít xâm lấn, từ đó nâng cao uy tín của BV, sự hài lòng người bệnh dành cho y - bác sĩ ngày càng nhiều.

PGS-TS Lê Hữu Doanh, Giám đốc BV Da liễu Trung ương, cho hay so với năm ngoái, thưởng Tết năm nay của BV tăng rõ rệt. Năm 2023, tình hình kinh tế nhiều khó khăn, để tăng nguồn thu và thưởng Tết cho CB-CNV, BV đã tổ chức khám bệnh cả ngày thứ bảy và chủ nhật, đồng thời triển khai khám dịch vụ theo yêu cầu sớm từ 6 giờ sáng để phục vụ người dân.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Y tế Hà Nội cũng cho hay năm 2023, dù còn nhiều khó khăn song các cơ sở y tế vẫn luôn cố gắng quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động, góp phần khích lệ để cùng quyết tâm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tết này, Công đoàn ngành hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn với mức 500.000 đồng/người.

Theo Sở Y tế TP HCM, các BV do phải tự chủ tài chính trong khi kết cấu nguồn thu viện phí chưa được tính đúng, tính đủ. Sức lao động của nhân viên y tế có thể ngang bằng nhau nhưng mức thu nhập chênh lệch nhau rất nhiều do đặc thù chuyên khoa của mỗi BV. "Đây cũng là một trong những lý do khách quan lý giải sự khác biệt về tiền thưởng Tết và mức thu nhập tăng thêm hằng tháng của các BV. Ngành Y tế TP sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách để giúp các BV công lập tự chủ một cách bền vững. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là thách thức với ngành y tế trong thời gian tới" - lãnh đạo Sở Y tế thông tin. 

Đề xuất tăng đãi ngộ cho ngành y

Công đoàn Y tế Việt Nam đã kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về điều chỉnh xếp lương bậc 2 đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng. Theo PGS-TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, ngành y là ngành đặc thù với trình độ và chất lượng lao động cao. Để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm (trong đó 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp) trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau. Ngoài ra, Công đoàn ngành y tế cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg điều chỉnh nâng mức phụ cấp trực theo mức chi phụ cấp trực tương ứng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với mức lương tối thiểu mới từ 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng.