Do hiểu sai quy định về việc thành lập đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia nên Cục Thể dục Thể thao trao trách nhiệm tuyển chọn không đúng người, đúng việc dẫn đến sự nhập nhằng trong danh sách đội tuyển boxing Việt Nam

Khoản 2a, điều 5 Thông tư 01/2021 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nêu rõ việc thành lập đội thể thao quốc gia, đó là: "Trên cơ sở đề xuất của ban huấn luyện đội thể thao quốc gia, Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) chủ trì, tham khảo ý kiến của liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia trước khi quyết định thành lập đội thể thao, đội thể thao trẻ quốc gia (gọi chung là đội thể thao quốc gia) để tập huấn, tham gia thi đấu quốc tế bằng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho Tổng cục TDTT".

"Vận dụng" nội dung này, từ trung tuần tháng 12 hằng năm kể từ năm 2021, Vụ Thể thao thành tích cao 1 thuộc Tổng cục TDTT (nay là Phòng Thể thao thành tích cao 1 - Cục TDTT) tổ chức lấy ý kiến từ các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và các thành viên ban huấn luyện đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia về thành phần VĐV dự kiến sẽ được triệu tập vào đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia năm tiếp theo.

Tiểu ban chuyên môn của Liên đoàn quyền Anh Việt Nam nhiệm kỳ 1 và 2 trong phần việc này, đáng tiếc chỉ giữ vai trò thứ yếu. Danh sách đề xuất của Tiểu ban chuyên môn thuộc liên đoàn - được xem là sâu sát nhất, xác thực nhất do được tổng hợp trên cơ sở thành tích thi đấu trong nước, quốc tế trong năm của các VĐV - đúng nghĩa chỉ được tham khảo và ít khi được xem là thông tin chính thống khi Cục TDTT đề xuất danh sách triệu tập các đội tuyển và trình lãnh đạo bộ phê duyệt, ban hành.

Những quyết định triệu tập khó hiểu- Ảnh 1.

Không ít nhà chuyên môn băn khoăn về vai trò của ban huấn luyện đội tuyển trong việc đề xuất này, bởi nếu trong năm đội tuyển không hoàn thành nhiệm vụ, liệu những nhà cầm quân này có còn giữ nổi "ghế" của mình ở năm tiếp theo hay không, chứ chưa nói đến việc đề xuất "quân" cho một ê-kíp ban huấn luyện khác? Vai trò của các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ở đây hẳn cũng không thể là yếu tố quyết định bởi những đơn vị này chỉ thuần túy quản lý về nhân sự nói chung, nơi ăn chốn ở, điểm tập luyện cho các đội tuyển, khó nắm bắt tình hình VĐV để có thể đề cử việc tuyển chọn cho năm tiếp theo.

Có thể xem đây là các yếu tố tác động rất mạnh đến việc Cục TDTT ban hành quyết định chính thức về việc thành lập đội tuyển boxing Việt Nam để chuẩn bị làm nhiệm vụ trong năm 2024. Trong Công văn 132 ngày 26/12/2023 gửi Cục TDTT về danh sách các đội tuyển, tuyển trẻ quốc gia năm 2024, Liên đoàn quyền Anh Việt Nam đề xuất VĐV Nguyễn Thị Thanh Hảo trong thành phần tuyển boxing nữ quốc gia chuẩn bị cho vòng loại Olympic Paris 2024. Tuy nhiên, cuối cùng nhà vô địch quốc gia 2023 không có tên. Được đề xuất trong danh sách chính thức là Nguyễn Huyền Trân (Tiền Giang) - người thua chính Thanh Hảo ở chung kết hạng 57 kg nữ Giải Vô địch boxing toàn quốc 2023.

Trong khi đó, dù không được Liên đoàn quyền Anh Việt Nam đề xuất tuyển chọn do thành tích trong năm không đạt yêu cầu nhưng võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi vẫn có tên trong danh sách triệu tập chính thức. Đó là chưa kể cựu vô địch WBO thế giới này đầu năm 2023 còn khoác áo Hậu Giang khi tham dự Giải Vô địch boxing các đội mạnh toàn quốc nhưng cuối năm lại là thành viên của đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu tham dự Giải Vô địch boxing toàn quốc.

Nguyễn Thị Thu Nhi (trái) từng không được thi đấu SEA Games 31 nay vẫn có tên trong đội tuyển quốc gia năm 2024  Ảnh: NAM ĐINH

Nguyễn Thị Thu Nhi (trái) từng không được thi đấu SEA Games 31 nay vẫn có tên trong đội tuyển quốc gia năm 2024 Ảnh: NAM ĐINH

Với rất nhiều môn, các liên đoàn, hiệp hội quốc gia yêu cầu VĐV sau khi rời đơn vị chủ quản cũ thì phải nghỉ trong vòng 1 - 2 năm trước khi thi đấu cho đơn vị khác để tránh tình trạng chèo kéo, chuyển nhượng VĐV bất hợp pháp. Trong khi đó, các võ sĩ boxing lại có thể thay đổi đơn vị xoành xoạch, nhanh đến chóng mặt khiến những nhà quản lý thật sự đau đầu.

Ngay cả HLV trưởng của đội trẻ nữ quốc gia cũng không được Liên đoàn quyền Anh Việt Nam tín nhiệm đề cử do "nhảy" đơn vị gần như mỗi năm trong 5 năm trở lại đây, không trực tiếp đào tạo võ sĩ tên tuổi nào vẫn ung dung giữ "ghế" suốt nhiều đợt tuyển chọn các năm qua. Fanpage của Liên đoàn quyền Anh Việt Nam có nhiều đoạn clip, dòng trạng thái ghi nhận hành vi, phát ngôn thiếu chuẩn mực của HLV này tại các giải quốc tế, nhất là tại SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam tháng 5/2022, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy và là một thành viên quan trọng của quyền Anh Việt Nam. 

Trong năm 2023, Liên đoàn quyền Anh Việt Nam từng gửi văn bản đề nghị Cục TDTT xem xét và xử lý các hành vi tiêu cực (nếu có) trong việc thành lập đội tuyển trẻ nữ quốc gia với 10 trường hợp không tham gia thi đấu hoặc không có thành tích quốc gia năm trước đó. Tuy nhiên, Cục TDTT đã bỏ qua, không xem xét xử lý.