Vượt lên những khó khăn mà nền kinh tế khu vực và toàn cầu đang gặp phải, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ phục hồi cao so với mặt bằng chung, là điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu thế giới, duy trì triển vọng tăng trưởng cao không chỉ trong ngắn hạn mà cả trung hạn và dài hạn với dự báo sẽ tăng 125% mức độ thịnh vượng trong 10 năm tới.

Củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu

Trang CNBC của Mỹ mới đây dẫn báo cáo của Công ty phân tích sự thịnh vượng trên toàn cầu (New World Wealth) và Công ty tư vấn về định cư và quốc tịch thông qua đầu tư Henley & Partners cho thấy, Việt Nam sẽ có mức tăng mạnh nhất về sự thịnh vượng trong thập niên tới khi củng cố được vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu. Theo đó, chuyên gia phân tích Andrew Amoils của New World Wealth dự báo, Việt Nam sẽ tăng mức độ thịnh vượng 125% trong 10 năm tới. Hãng phân tích uy tín này nhấn mạnh, đây sẽ là mức gia tăng tài sản lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào khi xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người và số lượng triệu phú.

Đáng chú ý là cả New World Wealth và Công ty tư vấn về định cư và quốc tịch thông qua đầu tư Henley & Partners đưa ra những nhận định rất tích cực, tươi sáng về triển vọng tăng trưởng trong dài hạn của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang đối mặt với những thách thức, khó khăn nghiêm trọng từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, đặc biệt là các cuộc xung đột vũ trang tại Ukraine, Trung Đông chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đó, thế giới còn phải ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống không kém phần nghiêm trọng như biến đối khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng…

Liên hợp quốc trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới 2024" công bố đầu năm nay dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% trong năm 2023 xuống 2,4% trong năm nay. Tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này cho rằng, mức tăng trưởng toàn cầu vượt mong đợi trong năm 2023 vừa qua đã không phản ánh rõ những rủi ro ngắn hạn cùng các lỗ hổng cơ cấu, và điều đó để lại "dư chấn" cho năm nay.

Theo Liên hợp quốc, nguyên nhân chính khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc trong năm 2024 là do thương mại toàn cầu suy yếu, chi phí vay cao, nợ công tăng cao, đầu tư liên tục thấp và căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến tăng trưởng toàn cầu gặp rủi ro. Cùng với đó là tăng trưởng thấp hơn năm 2023 của các nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Cùng chung nhìn nhận của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB) cũng công bố báo cáo "Triển vọng kinh tế toàn cầu" trong đó dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp vào năm 2024, giảm xuống 2,4% từ mức 2,6% của năm 2023. Theo định chế tài chính hàng đầu thế giới này, dù nền kinh tế toàn cầu tỏ ra kiên cường khi đối mặt với rủi ro suy thoái năm 2023, nhưng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ đặt ra những thách thức mới trong ngắn hạn mà WB cho rằng khiến hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2024 và 2025 so với thập kỷ trước.

WB cho rằng, năm 2024 có thể sẽ khép lại chuỗi 5 năm kinh tế toàn cầu tăng trưởng với tốc độ thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây - một con số không mấy vui vẻ. Nhìn nhận của WB cũng tương tự như đánh giá của Liên hợp quốc trước đó khi cho rằng, thế giới đang quay trở lại mức tăng trưởng trung bình hàng năm 3% trong giai đoạn 2000-2019, phản ánh những năm tăng trưởng dưới trung bình.

Quốc gia năng động cải cách

Theo các tổ chức, định chế tài chính hàng đầu thế giới, trong bức tranh kinh tế toàn cầu tương đối ảm đạm, vẫn nổi lên những điểm sáng ấn tượng, trong đó có Việt Nam. Chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển Singapore (DBS Bank) nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể vẫn tiếp tục tăng vì Việt Nam vẫn hấp dẫn đầu tư trong những năm tới trong bối cảnh các công ty đang đa dạng hóa và giảm rủi ro chuỗi cung ứng bằng cách mở rộng hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Không chỉ đạt tăng trưởng ở mức cao so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới trong ngắn hạn, kinh tế nước ta còn duy trì tốc độ này trong trung và dài hạn. Trung tâm tư vấn CEBR (Anh) đánh giá, Việt Nam là một trong 2 nền kinh tế Đông Nam Á (cùng với Philippines) có năng lực "nhảy vọt" trong bảng xếp hạng World Economic League Table (WELT) trong giai đoạn từ nay đến năm 2038. Theo Trung tâm nghiên cứu này của Anh, Việt Nam hiện ở vị trí 34 trên WELT, năm 2024 Việt Nam sẽ tăng 1 hạng lên thứ hạng 33 và sau đó sẽ tiếp tục lên nhanh, lên vị trí 24 vào năm 2033, trước khi trở thành nền kinh tế thứ 21 thế giới vào năm 2038. Với dân số đông và còn tương đối trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các quốc gia xếp trên hiện nay trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia, để vươn lên đứng thứ hai khu vực vào 2038, chỉ đứng sau Indonesia trong số Top 25 nền kinh tế thế giới.

Những nhận định trên được New World Wealth và Henley & Partners chia sẻ quan điểm trong báo cáo mới nhất vừa công bố, đồng thời nêu bật những cơ sở để đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đó, Việt Nam là trung tâm sản xuất ngày càng được ưa thích đối với các tập đoàn đa quốc gia về công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may. Việt Nam hiện có 19.400 triệu phú USD và 58 cá nhân có tài sản trị giá hàng trăm triệu USD.

Việt Nam cũng được coi là quốc gia an toàn so với các quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này giúp các công ty có thêm động lực để thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, hãng tư vấn McKinsey cũng cho rằng, Việt Nam có "vị trí chiến lược," chi phí lao động thấp, cùng với cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa. Những yếu tố này đã biến Việt Nam thành một "điểm đến hàng đầu" cho đầu tư quốc tế trong bối cảnh có nhiều biến động trên thế giới.

Trong bài viết trên trang mondaq.com (Mỹ) mới đây, các chuyên gia kinh tế cũng dẫn những nghiên cứu nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Nghiên cứu "Thế giới năm 2050" của hãng tư vấn PwC cho biết, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm cao thứ hai trên toàn thế giới trong thời gian từ năm

2014-2050, với tăng trưởng trung bình 5,3% mỗi năm. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm 2050. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập quốc tế…

Các chuyên gia quốc tế nhận định, Việt Nam là quốc gia năng động cải cách và hiện đang mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sức mạnh nội tại của nền kinh tế được thể hiện qua các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát, năng suất tăng mạnh và sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Đây chính là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kế hoạch kinh doanh và nắm bắt những cơ hội sắp tới tại một điểm đến hấp dẫn như Việt Nam.

PV / An Ninh Thủ Đô

Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/viet-nam-tang-125-muc-do-thinh-vuong-trong-10-nam-toi-post568996.antd