Hiện nay, Công nghệ 4.0 hay còn gọi là cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đang phát triển vô cùng mạnh mẽ và trở thành một phần không thể thiếu cho sự phát triển của các nước trên thế giới. Sự xuất hiện của nó mang đến cho nhân loại cơ hội để thúc đẩy tích cực nền kinh tế, xã hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức khôn lường.
- Bộ Chính trị ra Nghị quyết về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư
- 'Ông lớn' rút khỏi Trung Quốc, đưa công xưởng vào Việt Nam
Cách mạng Công nghệ 4.0 là gì?
Cụm từ Cách mạng 4.0 hay Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" ở trong một bản báo cáo của chính phủ Đức năm 2013 nhằm nói tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Khái niệm này ám chỉ việc kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh, tự động để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa công nghiệp, kinh doanh và chức năng cũng như quy trình bên trong.
Công nghệ 4.0 đang ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhân loại.
Còn theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Cách mạng Công nghệ 4.0 là: "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc Cách mạng lần hai diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc Cách mạng lần ba sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang nảy nở từ cuộc Cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Bản chất của Cách mạng 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,...
Đặc biệt, cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 còn có phạm vi rộng lớn hơn nhiều. Nó là các làn sóng của những đột phá xa hơn trong các lĩnh vực khác nhau từ mã hóa chuỗi gen cho tới công nghệ nano, từ các năng lượng tái tạo tới tính toán lượng tử.
Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 diễn ra như thế nào?
Cách mạng Công nghệ 4.0 sẽ mở ra thời kỳ cho những môi trường làm việc mà máy tính và tự động hóa cùng với sự kết hợp của con người. Nó sẽ làm việc với nhau theo một cách thức mới hoàn toàn, con người sẽ tận dụng các hệ thống máy tính, công nghệ thông tin, những phần mềm, ứng dụng để kết nối với robot hoặc những loại máy móc phục vụ cho việc sản xuất.
Như vậy có thể nói đơn giản Cách mạng 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý:
Kỹ thuật số sẽ được cải tiến qua cuộc Cách mạng 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực Công nghệ sinh học, Cách mạng 4.0 tập trung nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Cuối cùng là lĩnh vực Vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Hiện nay, Công nghệ 4.0 đã vươn ra thế giới và có sự tham gia của rất nhiều nước phát triển như Mỹ, châu Âu... Nó trở thành một phần quan trọng của của sự phát triển các quốc gia.
Công nghệ 4.0 ảnh hưởng như thế nào đến nhân loại
Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 với những ứng dụng công nghệ mới, hiện đại dự báo sẽ tạo ra hàng loạt thay đổi mang tính bước ngoặt lịch sử, ảnh hưởng sâu rộng tới kinh tế, xã hội ở tất cả các quốc gia.
Đầu tiên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong quá trình sản xuất không còn cần đến sự tham gia của con người mà thay vào đó là sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo, các yếu tố công nghệ, các phần mềm lập trình và những thiết bị khoa học hiện đại. Chúng góp phần thúc đẩy tốc độ của sản xuất diễn ra nhanh hơn.
Thứ hai, dữ liệu sản xuất được ghi chép đầy đủ và chi tiết so với con người, đặc biệt tốn ít sức lao động hơn. Do đó, chúng ta có thể sử dụng lực lượng lao động để đáp ứng, mở rộng nhiều ngành sản xuất mới.
Đồng thời khi áp dụng Cách mạng Công nghệ 4.0, con người không phải làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại như trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc giảm thiểu được nhiều tai nạn lao động và tỷ lệ thương vong trong lao động.
Cuối cùng, với cuộc Cách mạng 4.0, chất lượng sản phẩm trong quy trình sản xuất sẽ được kiểm soát chặt chẽ và được nâng cao hơn, xuyên suốt từ khâu nguyên vật liệu cho đến quá trình sản xuất và đóng gói, vận chuyển hàng hóa sẽ trở nên thuận tiện tới tay người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo được chất lượng như ban đầu.
Công nghệ 4.0 mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức khôn lường.
Cách mạng Công nghệ 4.0 mang đến những cơ hội mới nhưng mặt trái của cuộc cách mạng này cũng đặt ra cho nhân loại nhiều rủi ro phải đối mặt.
Thách thức đầu tiên Công nghệ 4.0 mang đến là sự phá vỡ thị trường lao động. Việc tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế bằng robot, máy móc… khiến hàng triệu lao động trên thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp, đặc biệt đối với 1 đất nước mà tỉ lệ dân số quá đông thì điều đó lại trở thành một gánh nặng kìm hãm sự phát triển của các quốc gia.
Công nghệ 4.0 cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải cải tiến và thay đổi về công nghệ, trang thiết bị và nâng cao trình độ của công nhân. Như vậy, các doanh nghiệp của công ty sẽ khó trong việc tìm được đội ngũ lao động có đủ trình độ kỹ năng đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu.
Một rủi ro nữa của Cách mạng Công nghệ 4.0 là sự bất ổn về kinh tế dẫn đến những bất ổn về đời sống, và hình thành khoảng cách phân biệt giàu nghèo. Đồng nghĩa với nó là sự bất ổn về chính trị, an ninh. Vì vậy chính phủ các nước cần chuẩn bị đầy đủ cho làn sóng Công nghệ 4.0 nếu không muốn dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Như vậy, Cách mạng Công nghệ 4.0 mang đến nhiều rủi ro và thách thức nhưng nếu biết cách nắm bắt và vận dụng nó sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho nhân loại.
- Thẻ tín dụng là gì? Những sai lầm khi dùng thẻ tín dụng khiến bạn 'thủng ví'
- Việt Nam có thể tắt sóng 2G từ 2022