Theo các ĐBQH, giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên của Chính phủ là vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Ngày 27/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, các đại biểu thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Tham gia đóng góp ý kiến, ĐBQH Tạ Đình Thi (đoàn Tp. Hà Nội) bày tỏ nhất trí cao về tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Đại biểu cho rằng, cần tiếp tục phân định rõ, nâng cao tính đồng bộ, sự kế thừa trong hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra của các cơ quan khác trong hệ thống chính trị; cần nâng cao hiệu quả phối hợp, điều phối giữa các cơ quan để nâng cao hiệu quả giám sát, đảm bảo tính khách quan, độc lập.

Góp ý vào chương trình, ĐBQH Phạm Đình Thanh (đoàn Kom Tum)cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm chỉ đạo thực hiện mục tiêu đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đối thoại - Đề nghị giám sát việc thực hiện

Đại biểu Thanh cũng đề nghị tiếp tục quan tâm, giám sát việc thực hiện lời hứa của các vị Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên của Chính phủ. Đây là vấn đề cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề xuất một số giải pháp như: Cần quan tâm làm tốt công tác chuẩn bị giám sát; đề cương xây dựng báo cáo giám sát cần chi tiết, yêu cầu báo cáo cụ thể những vấn đề thuộc nội dung giám sát;

Cần thành lập tổ công tác giúp việc của đoàn giám sát là những cán bộ, chuyên gia, các vị đại biểu Quốc hội có chuyên môn, có kinh nghiệm sâu về lĩnh vực giám sát; cần thu thập các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán về nội dung giám sát, tổ công tác của Đoàn giám sát cần làm việc trước các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ những vấn đề cần thiết trước khi đoàn giám sát làm việc chính thức với đơn vị chịu sự giám sát.

Sau giám sát phải ban hành kết luận, Nghị quyết của cuộc giám sát, kết luận giám sát phải nêu cụ thể những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, phải chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đối với những vi phạm tồn tại và có kiến nghị yêu cầu cụ thể.

Đối thoại - Đề nghị giám sát việc thực hiện

Đồng thời, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội theo đại biểu Thắng, cần tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các Nghị quyết của các cơ quan và người đứng đầu chịu sự giám sát.

"Cần quan tâm giám sát thực hiện lời hứa chất vấn, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung đã được giám sát, những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm", đại biểu đoàn Hưng Yên nhấn mạnh.

Đề xuất 4 chuyên đề giám sát

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.