Hà Nội cho biết đang triển khai đầu tư dự án thu gom rác thải 2 bên bờ sông Tô Lịch. Khi thực hiện dự án, chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ được cải thiện.
- Làm cống ngầm kết hợp cao tốc dọc sông Tô Lịch: Lại dự án trên trời?
- Người Hà Nội trồng rau bên 'dòng sông chết'
Mới đây, trong văn bản trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ hợp thứ 2, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, UBND Thành phố Hà Nội đã có câu trả lời về vấn đề ô nhiễm nguồn nước sông Tô Lịch. Đặc biệt, nêu ra những phương án "mạnh tay" để làm sạch dòng sông.
Sông "chết" giữa Thủ
Hà Nội vẫn loay hoay với dòng "sông chết" mang tên Tô Lịch suốt nhiều thập kỷ.
Theo UBND Thành phố, những năm qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác BVMT trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo, nhấn mạnh mục tiêu cụ thể đối với việc xử lý ô nhiễm môi trường nước, trong đó có xử lý ô nhiễm nước sống Tô Lịch, đảm bảo dòng chảy vào mùa khô và tập trung xây dựng, triển khai các phương án tạo cảnh qua, xử lý môi trường nước, từng bước làm "sống lại" dòng sông Tô Lịch...
UBND TP cũng đã thực hiện công tác duy trì bè thủy sinh trên sông Tô Lịch nhằm tạo cảnh quan và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Hoàn thành việc kè bờ và đường dạo 2 bên sông Tô Lịch, trong đó có đoạn tuyến sông Tô Lịch trên địa bàn quận Cầu Giấy: Kè đá, dựng lan can, trồng cây xanh... công tác quản lý mốc giới đã được thực hiện, không có tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép trên hành lang sông.
Tổ chức việc tuyên truyền, phối hợp với đơn vị cung cấp chế phẩm, UBND các quận, UBND các phường sử dụng chế phẩm làm sạch nước thải tại các hộ gia đình thuộc tổ dân phố của 4 phường đầu nguồn sông Tô Lịch.
Trên cơ sở kết quả triển khai dự án thoát nước thành phố giai đoạn 1 và 2, trước mắt tập trung đẩy nhanh ưu tiên xử lý một bước ô nhiễm nước sông Tô Lịch, Kim Ngưu đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, môi trường và cảnh quan. Đẩy nhanh xây dựng hệ thống thu gom nước thải đưa về hệ thống xử lý trước khi xả vào nguồn nước các sông nội thành như: Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, từ năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ban ngành có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra và xác định các "Điểm đen" về ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Qua rà soát tại 21/30 quận, huyện, thị xã có 187 "điểm đen", khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Trên cơ sở kết quả khảo sát, UBND TP đã giao Sở Xây dựng, UBND các quận huyện và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xây dựng phương án, lộ trình xử lý, khắc phục ô nhiễm tại các "điểm đen", đồng thời tăng cường quản lý vệ sinh môi trường dọc các tuyến sông, trong đó có sông Tô Lịch; nạo vét duy tu duy trì, nạo vét hệ thống thoát nước lòng cống, mương nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, y tế... trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Qua đó, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép vào môi trường.
Đáng chú ý, dự án "Đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội" là nhiệm vụ cấp thiết để đánh giá hiện trạng môi trường cho thành phố, trên cơ sở đó có thể mô hình hóa đánh giá mức độ ô nhiễm, tìm ra các nguồn phát thải và đánh giá mức độ ô nhiễm, tìm ra các nguồn phát thải và đánh giá mức độ ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường của các địa phương lân cận. Sở TNMT được UBND TP giao quản lý, tiếp nhận dữ liệu hệ thống trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục do Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền tài trợ đối với 6 trạm quan trắc nước mặt tự động. Trong đó có trạm quan trắc tự động trên sông Tô Lịch nhằm đánh giá, kiểm soát, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường nước sông Tô Lịch đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2017.
Đặc biệt, trong văn bản trả lời ý kiến cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường của sông Tô Lịch, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội khẳng định: "Hiện nay đang triển khai đầu tư dự án thu gom rác thải 2 bên bờ sông Tô Lịch để đưa về nhà máy xử lý nước thải. Khi thực hiện dự án, chất lượng nước sông Tô Lịch sẽ được cải thiện".
Trao đổi với PV về các biện pháp trên của Hà Nội đối với sông Tô Lịch, PGS TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường phát triển cộng đồng cho biết, muốn cải tạo dòng sông cần thực hiện tốt công tác thu gom nước thải 2 bên bờ sông, không để xả thải trực tiếp xuống dòng sông. Cùng với đó, cần phải kết hợp cả cơ học và hóa học trong quá trình cải tạo.
"Do lòng sông chứa nhiều rác thải, nước đen, bùn bám ô nhiễm nên cần phải được nạo vét thường xuyên và dùng hóa chất kết hợp khử ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các dòng sông cũng vô cùng quan trọng. Bởi nếu chỉ xử lý quãng giữa nhưng đầu nguồn vẫn xả thải xuống thì sẽ không mang lại hiệu quả. Để hồi sinh sông Tô Lịch, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có lộ trình cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, kiên nhẫn mới có thể thành công" - PGS TS Bùi Thị An nói.
- Hồi sinh sông Tô Lịch: Xử lý ô nhiễm trước khi nghĩ đến xây dựng công viên
- Chủ đầu tư bác thông tin xây cầu qua sông Tô Lịch hết 38 tỷ đồng
Nguồn: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/ha-noi-da-tim-ra-cach-lam-song-song-to-lich-1632703.html