Với quan niệm mang lại may mắn, tài lộc nên nhiều người đã tin vào linh vật tâm linh búp bê Kumathong. Tuy nhiên, những con búp bê này thực sự là bùa hộ mệnh hay mang đến những phiền phức trong cuộc sống.

Kumathong là gì?

Thái Lan là quốc gia Phật giáo nhưng cũng là một trong những nước mua, bán và xuất khẩu bùa chú lớn nhất thế giới. Ở đây có những loại bùa chú rất đặc biệt. Kumathong (hay còn gọi là quỷ Linh Nhi) là một loại búp bê yểm bùa được nhiều người Thái chiêm bái, sử dụng. 

Theo Vietnamnet, loại búp bê này được gọi là Luk thep - thiên thần nhỏ trong tiếng Thái. Kumathong được các đạo sĩ, pháp sư coi trọng bởi khả năng "thần thánh", có thể đem về tiền bạc, của cải, sự may mắn, giúp người nuôi chúng đạt được những mong muốn khi thỉnh cầu các Kumathong. Với nhiều hình dạng khác nhau, Kumathong có khi là búp bê nữ, búp bê nam hay tượng dát vàng hình em bé… nhưng chung quy đều được yểm bằng bùa chú.

Kumathong có năng lực "siêu nhiên" đem lại tiền tài, may mắn cho người nuôi. Ảnh: An ninh thủ đô.

Kumathong có năng lực "siêu nhiên" đem lại tiền tài, may mắn cho người nuôi. Ảnh: An ninh thủ đô.

Xét dưới góc độ khoa học, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Châu, trưởng bộ môn Thái Lan học, khoa Đông Phương học, trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho biết trên VOV: "Bùa chú vật phẩm phong thủy này rất đa dạng. Kumathong có hàng trăm năm rồi. Thực ra Kumathong vừa mang tính chất là thần, vừa mang tính chất là quỷ, vừa thiện, vừa ác. Kumathong dịch nguyên từ là Cậu bé vàng. Nguồn gốc từ xưa các thầy phù thủy gọi hồn, lấy bào thai bé trai, rang khô, bọc vàng lại… Và dùng để sai khiến.

Xuất phát nguyên thủy là xác thai nhi bọc vàng, sau đó phát triển thành các loại Kumathong nung bằng đất, bằng đồng. Còn loại được bán chủ yếu hiện nay trên thị trường là Lukthep, dịch ra là búp bê thần, loại búp bê bằng cao su có vong nhi".

Thạc sĩ Kim Châu có nhiều năm sống, học tập và nghiên cứu ở Thái Lan khẳng định: "Đó là mê tín dị đoan. Cái này chẳng có cơ sở… Thực ra chùa bên Thái Lan cũng không được phép, nhiều lúc họ bị lôi kéo do tính chất thương mại".

Dưới góc độ Phật giáo, TS Nguyễn Mạnh Cường - một người chuyên nghiên cứu về Phật giáo Nam tông Khơ me và các loại bùa chú dân gian tại Viện Nghiên cứu Tôn giáo cũng giải thích về Kumathong trên VOV: "Thái Lan theo Phật giáo Nam tông. Kumathong nếu nói là trong Phật giáo thì không đúng, nhưng tín ngưỡng dân gian có sự giao thoa với Phật giáo làm đa màu sắc. 

Vấn đề chính khi sử dụng Kumathong, ở đó nó có một điều trái ngược với suy nghĩ của những người theo đạo Phật là sự kìm hãm siêu thoát, không đúng với tinh thần Phật giáo. 

Kumathong trở thành một ngành kinh doanh mất rồi, khi đó, xuất hiện nhiều điều huyễn hoặc về nó".

Nuôi búp bê Kumathong nở rộ thành trào lưu

Khoảng vài năm trở lại đây, một bộ phận giới trẻ Việt Nam đặc biệt quan tâm, thậm chí trở nên "nghiện" búp bê Kumathong. Bởi vì người ta tin rằng, khi "nuôi" một con búp bê này trong nhà thì tài lộc ngút trời, làm việc gì cũng hanh thông. Điều đặc biệt là, nuôi Kumathong chẳng khác nào nuôi một đứa trẻ, tức là cũng phải cho ăn, cho uống, dỗ dành, trò chuyện và đưa đi chơi…

Các bạn chỉ cần vào google gõ chữ Kumathong lập tức hiện ra hàng loạt trang website và fanpage rao bán búp bê Kumathong. Nhấp vào bất kỳ một trang fanpage nào bạn cũng sẽ thấy những lời giới thiệu cực kỳ "có cánh" về sự linh nghiệm của loại búp bê này.

Trên mạng xuất hiện nhiều fanpage nuôi Kumathong và Lukthep. Ảnh chụp màn hình.

Trên mạng xuất hiện nhiều fanpage nuôi Kumathong và Lukthep. Ảnh chụp màn hình.

Theo SGGP, những thông tin đồn thổi, Kumathong có "năng lực" thấp được yểm bằng những bùa chú mà thầy phép viết, cất trong bụng hoặc dán sau lưng, trên đầu của những búp bê. Loại này thường có giá thấp, và dĩ nhiên, sự "siêu nhiên" đem lại cho người nuôi cũng chỉ dừng lại ở việc gặp nhiều may mắn trong kinh doanh, được bảo vệ an toàn trong cuộc sống, được giữ nhà cửa giùm.

Những Kumathong có "năng lực" cao hơn, thường được yểm bằng xác thai nhi (những bào thai còn trong bụng mẹ đã bị phá đi, vứt bỏ, chỉ bé bằng bàn tay), được các pháp sư, thầy phép quảng cáo là nếu đem chúng về nhà, nuôi chúng bằng sữa (cắm ống hút vào hộp sữa rồi đặt vào miệng búp bê), kẹo bánh hàng ngày, trò chuyện và yêu thương chúng như con mình thì sẽ được các "linh hồn" trong búp bê phù hộ, cầu gì được nấy, làm ăn thuận lợi, tình duyên như mong muốn, may mắn trong xổ số và những điều siêu nhiên khác.

Đạo sĩ ở Thái Lan còn nhắc nhở người nuôi phải dành toàn bộ tình cảm và sự quan tâm cho búp bê, nếu trong nhà có trẻ em thì phải đối xử công bằng, không được bỏ bê hay thiếu quan tâm vì nếu không sẽ khiến Kuman Thong nổi giận, gây hại đến người nuôi.

Tại Việt Nam, ngoài những bạn trẻ nuôi Kumathong theo phong trào, như một cách thể hiện khác người, không ít người cho rằng, nuôi búp bê sẽ có may mắn, dễ kiếm thêm nhiều tiền, với lý giải: "Nếu không có mục đích, họ không bao giờ bỏ tiền nuôi ma trong nhà" như của một bạn trên mạng xã hội được cộng đồng chia sẻ rầm rộ.

Thứ bùa ngải nguy hiểm, thậm chí… chết người

Nuôi Kumathong là quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Thế nhưng, tài lộc đâu chưa thấy mà chỉ thấy những hệ lụy mà Kumathong đem lại là rất rõ. 

Chia sẻ trên Trí Thức Trẻ, bạn có tên B.B. tâm sự: "Do gặp nhiều trắc trở trong công việc và tình duyên nên chị mình đã quyết định sang Thái Lan để rước một em Kumathong về, mong sao mọi điều may mắn sẽ đến. Chị gọi nó là con, đặt tên cho nó là Mi Mi. Ngày nào chị cũng mua bim bim, sữa, coca cho nó uống, còn tự tay may những chiếc váy đính đá lộng lẫy, mua vòng vàng, vòng ngọc cho nó đeo.

Từ ngày có nó, chị ấy tươi tỉnh hẳn lên. Chị không sợ ai giận mà chỉ sợ nó giận, vì chị nghĩ nó không chỉ đem lại tiền tài mà còn giúp chủ nhân tránh được những tai nạn bất ngờ và đề phòng kẻ xấu. Nhưng khi nó giận thì nó phá cho tan cửa nát nhà.

Bốn tháng, chị không giao tiếp với gia đình, đặc biệt với mình, chị nhìn mình với ánh mắt đầy căm hận. Chị không thiết ăn uống, cũng không đi làm.

Mẹ hỏi thì chị ấy bảo công việc đang trục trặc do con Kumathong nó giận, nó ghen, nó sẽ phá công danh của chị nếu cứ quan tâm mình. Cả gia đình đều lo lắng và không biết phải làm gì để thoát khỏi Kumathong".

Nhiều người coi búp bê Kumathong như con của mình. Ảnh: VietNamnet.

Nhiều người coi búp bê Kumathong như con của mình. Ảnh: VietNamnet.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều người nuôi Kumathong còn có cảm giác bất an, tinh thần sa sút, thậm chí đã tìm đến cái chết.

Đầu năm 2019, tại chung cư Gold View, quận 4, TP.HCM, một cô gái trẻ 24 tuổi được phát hiện rơi từ tầng 17 xuống đất tử vong. Điều đặc biệt là, cái chết bất thường của cô gái này được cho là có liên quan tới việc nạn nhân nuôi búp bê Kumathong trong nhà và yêu thương nó như con đẻ. 

Theo VietNamnet, trong một tin nhắn gửi tới bạn của mình, cô gái trẻ này tự hào khoe: "Con em ngoan hiền lắm, tình cảm. Em may mắn lắm mới chọn được để nuôi". Nhưng trong một loạt các tin nhắn khác gửi bạn mình, cô gái trẻ này lại thể hiện sự tuyệt vọng về thế giới này. Thậm chí còn có cảm giác như bị dính vào ma quỷ, bùa ngải gì đó. Nội dung tin nhắn là: "Em muốn chết anh ạ. Em không biết có ai bỏ bùa em không, lúc nào em cũng nghĩ đến cái chết. Em sợ quá anh ạ. Em sợ cái thế giới này".

Sau khi cô gái trẻ tìm đến cái chết, trên nhiều trang mạng xã hội đã truyền tai nhau về việc nạn nhân đã bị búp bê Kumathong "hành". 

Thực hư về năng lực "siêu nhiên" của búp bê Kumathong chưa ai có thể kiểm chứng. Và việc chế tạo ra một Kumathong theo cách truyền thống cũng đã bị cấm tại đất nước Chùa Vàng. Mỗi cá nhân đều có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng cũng cần tỉnh táo để hiểu rằng nếu thứ gì đó được coi là linh thiêng thì không thể được rao bán đại trà, tràn lan.