Theo luật sư, người có hành vi ghép hình ảnh của người khác vào ảnh nóng hay clip sex nhằm bất kỳ mục đích gì cũng vi phạm pháp luật và có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự về hành vi này!

Sáng ngày 2/3, cư dân mạng truyền tay nhau những hình ảnh được chụp lại từ một trang web phim 18+, trong đó có loạt ảnh được cho là cắt từ clip nhạy cảm của 1 nữ diễn viên Việt Nam nổi tiếng. Theo trang web này, nhân vật chính trong clip được cho là nữ diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc.

Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc.

Diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc.

Tuy nhiên, đa phần ý kiến cho rằng đoạn clip và ảnh này là giả mạo nhằm hạ bệ nữ diễn viên. Bởi hầu hết các khoảnh khắc lộ mặt của nhân vật chính đều bị làm mờ nên không thể nói chính xác điều gì.

Đoạn clip lan truyền trên mạng.

Đoạn clip lan truyền trên mạng.

Trước thông tin bị lộ clip "giường chiếu" đang lan truyền trên mạng xã hội, Ninh Dương Lan Ngọc đã chính thức lên tiếng trên trang Facebook cá nhân.

Theo đó, cô lên tiếng phủ nhận về clip và gửi lời xin lỗi đến nhãn hàng, đối tác, người thân, gia đình, bạn bè và đặc biệt là quý khán giả vì sự việc không hay đã làm ảnh hưởng. Tuy nhiên, Lan Ngọc không đề cập tới hình thức xử lý với trang web đen hay người đã đăng tải nội dung sai lệch về mình trên mạng.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội về những vấn đề pháp lý liên quan đến sự việc trên. Theo đó, luật sư Cường nhận định: "Trong sự việc nêu trên nếu nữ diễn viên trên trở thành nạn nhân của DeepFake, bị các đối tượng xấu ghép hình vào clip để đăng bán hoặc có mục đích làm nhục, tống tiền... thì có thể trình báo sự việc cho cơ quan công an Việt Nam để vào cuộc xác minh xem xét xử lý".

Luật sư Cường phân tích, hành vi sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo ra các DeepFake, giả mạo thông tin hình ảnh của người khác trong các clip, bộ phim DeepFake thì đây là hành vi vi phạm quyền nhân thân, sử dụng thông tin trái phép và có dấu hiệu của tội làm nhục người khác. 

Hình ảnh cắt ra từ clip nóng được gán ghép là của Ninh Dương Lan Ngọc.

Hình ảnh cắt ra từ clip nóng được gán ghép là của Ninh Dương Lan Ngọc.

Trường hợp các đối tượng tạo ra các clip giả mạo để tống tiền, đe dọa uy hiếp người khác để buộc phải trao tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Tùy vào hành vi cụ thể, tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào mục đích của đối tượng vi phạm mà hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội danh liên quan đến tội danh xâm phạm quyền nhân thân, quyền tài sản, đến trật tự an toàn xã hội. 

Bởi vậy với pháp luật Việt Nam thì người vi phạm trong tình huống này sẽ bị xử lý về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và có thể xử lý thêm về tội làm nhục người khác (nếu như hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người đã bị giả mạo thông tin hình ảnh), hoặc các tội danh liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền sở hữu nếu như mục đích hướng đến quyền sở hữu của nạn nhân...

Luật sư Cường cũng cho biết, nếu các đối tượng trong vụ việc trên bị bắt giữ thì sẽ phải đối mặt với những chế tài theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 của Việt Nam, cụ thể như sau:

"Điều 326. Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy

1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);

c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;

d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;

đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;

e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;

g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;

b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;

c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;

d) Phổ biến cho 101 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.".

"Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".