Nhiều người Việt vẫn thường truyền tụng những câu chuyện ly kỳ về hiện tượng "ma đưa" với nhiều tình tiết mang tính huyền bí, tâm linh. Thực hư ra sao?

Hiện tượng "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" được hiểu là việc ban đêm ở nơi vắng vẻ bị lạc đường, chúng ta đi mãi mà vẫn quay về một chỗ và nghe thấy có tiếng người gọi mình, quay lại thì không thấy ai. Rất nhiều người nói rằng họ đã trải qua sự việc này. Chính vì vậy, nhiều người lớn tuổi vẫn thường nhắc nhở, gặp phải trường hợp "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" thì tuyệt đối không được lên tiếng thưa dù gọi tên mình nhiều lần, tốt nhất là hãy đứng nguyên tại chỗ, không nên di chuyển… Thực chất, tâm lý của con người mỗi khi không lý giải hoặc chưa lý giải được điều gì thì đều quy về lĩnh vực tâm linh huyền bí một cách vô thức. Điều này dẫn tới những hiểu biết sai lầm và những nỗi sợ hãi vô hình, không đáng có.

Nhiều người tin rằng đã từng bị "ma đưa lối, quỷ dẫn đường". Ảnh: Blogger JamViet

Nhiều người tin rằng đã từng bị "ma đưa lối, quỷ dẫn đường". Ảnh: Blogger JamViet

Quan điểm của Phật giáo về hiện tượng quỷ dẫn đường

Ðức Phật không dạy gì về việc này. Ðức Phật chỉ giảng dạy con đường đi đến giác ngộ và khuyến khích chúng ta rèn luyện trí tuệ để tự mình quyết định sự việc. Chúng ta nên xem hành động mà chúng ta sắp làm có tính chất đạo đức hay không. Nhiều người rất sợ bị ma quỷ dẫn đường rồi làm hại.

Ma quỷ chỉ có thể làm hại người nào đã tạo duyên bị hại có nghĩa là nếu người ấy đã làm hại người khác trong những kiếp quá khứ. Sợ ma quỷ là việc vô ích. Càng lo sợ hoang đường càng khiến cho ma quỷ đến làm hại ta mà thôi. Có khi không có ma quỷ thật sự nào cả mà chỉ có một ma quỷ tưởng tượng do tâm ý của một người quá lo sợ tạo nên mà thôi.

Khi người nào đó cảm thấy sợ hãi đối với các ma quỷ hay đang bị ma quỷ làm hại thì phương thuốc hữu hiệu nhất là phép quy y và phương pháp tu tập lòng từ ái. Nếu chúng ta hình dung ra linh ảnh của chư Phật rồi tha thiết khát ngưỡng cầu được quy y thì ma quỷ không thể làm hại chúng ta và nỗi lo sợ sẽ nhanh chóng tan biến.

Theo Phật giáo, sợ ma quỷ chỉ là việc vô ích. Ảnh: Báo Dân Sinh.

Theo Phật giáo, sợ ma quỷ chỉ là việc vô ích. Ảnh: Báo Dân Sinh.

Hiện tượng "ma đưa lối, quỷ đưa đường" dưới góc nhìn khoa học

Hiện tượng này thực chất là sự mất cảm giác. Ở nơi vắng vẻ vào ban đêm thì chiều dài của các bước chân sẽ vô tình có sự khác biệt, đi một lúc sẽ tạo thành vòng tròn có bán kính khoảng 3 km. Sinh vật học đã đưa ra những luận điểm chứng minh tính khoa học của hiện tượng này.

Theo Khỏe & Đẹp, các nhà khoa học tiến hành một thực nghiệm, đem một con vịt bịt kín mắt rồi thả ra khoảng trống, sẽ thấy nó lập tức bay vòng tròn. Nếu vẫn chưa tin thì bạn có thể tự mình thử bằng cách bịt kín mắt rồi tới sân trống đi thử chắc chắn bản thân bạn sẽ có cảm giác đang đi thẳng, nhưng mở ra khẳng định sẽ là đi một vòng tròn lớn. Bởi bản chất của vận động là chuyển động vòng tròn. Nếu không có mục tiêu hoặc không xác định được mục tiêu bằng mắt thì tự khắc bản năng trỗi dậy và chúng ta sẽ đi thành hình tròn. Thêm vào đó thân thể sinh vật có kết cấu khác biệt đôi chút, ví dụ như hai cánh tay to nhỏ khác nhau hay hai bắp đùi dài ngắn khác nhau, dù khác biệt nhỏ nhưng khẳng định là có.

Vì thế mà các bước đi cũng không đồng nhất, đi chặng ngắn sẽ không nhận ra nhưng nếu quãng đường khá dài sẽ vì sự khác biệt này mà tạo thành vòng tròn. Chỉ khi chúng ta dùng mắt nhìn điều chỉnh phương hướng xác định mục tiêu truyền lên đại não thì mới có thể tự động điều chỉnh hướng đi theo đường thẳng.

Hiện tượng này thực chất là sự mất cảm giác. Ảnh: Khỏe & Đẹp

Hiện tượng này thực chất là sự mất cảm giác. Ảnh: Khỏe & Đẹp

Đã bao giờ bạn nhìn thấy ma quỷ chưa? Có lẽ đã có rất nhiều người nhìn thấy và cũng rất nhiều người phủ nhận. Thật ra có rất nhiều yếu tố: Từ tâm lý đến chứng cứ khoa học chứng minh hiện tượng ma quỷ này.

Theo Khoa học & Phát triển, thuật ngữ "ma" thường được dùng để ám chỉ linh hồn của con người hoặc động vật đã chết có khả năng tác động đến thế giới vật chất. Khái niệm "ma ám" có thể bao gồm bất kỳ điều gì, từ việc cảm giác một người đã chết hiện diện bên cạnh, trông thấy vật thể di chuyển hoặc linh hồn đang cử động. Neil Dagnall, phó giáo sư về tâm lý học nhận thức ứng dụng tại Đại học Manchester Metropolitan (Anh) đưa ra những lý giải khoa học phổ biến nhất về nguyên nhân con người nhìn thấy ma và các hiện tượng siêu nhiên khác - mặc dù nhiều hiện tượng đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.

Theo Dagnall, một lời giải thích khác về nguyên nhân gây ra hiện tượng ma được báo Dân Trí dẫn lại, là do các yếu tố môi trường tác động đến con người, chẳng hạn như sóng hạ âm và điện từ trường. Michael Persinger - nhà thần kinh học người Canada - đã chứng minh được rằng, việc làm thay đổi trường điện từ liên tục xung quanh thùy thái dương (temporal lobe) của não có thể tạo ra những trải nghiệm ám ảnh, chẳng hạn như cảm thấy sự hiện diện của bóng ma, thần linh hoặc cảm giác bị ai đó chạm vào. Một số địa điểm ma ám trên thế giới, chẳng hạn như cung điện Hampton Court (Anh), là nơi có từ trường không ổn định.

Sóng hạ âm được cho là nguyên nhân tạo nên nhiều địa điểm huyền bí, ma quái. Những cơn gió mạnh thổi vào các bức tường trong tòa tháp cổ tạo ra sóng hạ âm - loại sóng có thể xuyên qua những bức tường dày nhất. Khi sống ở những nơi như thế, con người thường nghe thấy tiếng gió gào thét dọc hành lang hoặc tiếng bước chân rùng rợn trong ngôi nhà.

Ngoài ra, ảo giác cũng có thể kích thích nhận thức liên quan đến ma quỷ. Shane Rogers và các nhà nghiên cứu tại Đại học Clarkson (Mỹ) quan sát thấy nhiều điểm tương đồng giữa trải nghiệm huyền bí và các hiệu ứng ảo giác gây ra bởi bào tử nấm. Điều này có thể giải thích tại sao việc nhìn thấy ma thường xảy ra ở các tòa nhà cũ kỹ, ẩm mốc, có độ lưu thông không khí kém.

Sóng hạ âm được cho là nguyên nhân tạo nên nhiều địa điểm huyền bí, ma quái. Ảnh: Dân Trí.

Sóng hạ âm được cho là nguyên nhân tạo nên nhiều địa điểm huyền bí, ma quái. Ảnh: Dân Trí.

Trong trường hợp một người tuyên bố nhìn thấy bóng ma nhưng không phải do yếu tố tâm lý hoặc năng lượng phát ra, "hồn ma" có thể đơn giản chỉ là ảo ảnh quang học. Phổ biến nhất, đó là một nguồn ánh sáng mờ bị phản chiếu ở cửa sổ hoặc bề mặt phản xạ khác.

Ngoài ra, hồn ma cũng có thể là kết quả của hiện tượng tâm lý pareidolia. Theo đó, bộ não khiến chúng ta nhìn hình ảnh của các vật thể tự nhiên như đám mây, hòn đá thành các vật thể quen thuộc như mặt người. "Những trường hợp nhìn thấy ma luôn là kết quả của hiện tượng tự nhiên bị hiểu sai. Con người rất dễ mắc lỗi quan sát và nhận thức", Dante Centuori, chuyên gia làm việc tại Trung tâm Khoa học Great Lakes (Mỹ), cho biết.

Nói về vấn đề tâm lý liên quan đến hiện tượng "ma đưa lối, quỷ dẫn đường", thông tin trên báo An Ninh thủ đô có viết, khi bị lạc, con người có cảm giác lo lắng, hoảng loạn, rất mong muốn được về nhà… tất yếu sẽ khiến họ bị ảo giác. Họ thường cảm nhận đêm dài vô tận, không phân biệt được thời gian, không gian, nghe thấy âm thanh, nhìn thấy hình ảnh ghê rợn và thường bị ám ảnh bởi âm thanh, hình ảnh đó cho dù sau này họ trở về được.

Ngoài những nguyên nhân dẫn đến ảo giác kể trên, một trong những yếu tố góp phần tạo nên tính huyền bí của hiện tượng "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" thường xuất phát từ câu chuyện kể của người bị lạc. Người bị lạc khi trở về nhà, họ thường có tâm lý muốn được bù đắp, che chở, động viên nên mặc nhiên họ bị ám thị thể hiện một hình ảnh yếu đuối, khác thường. Mặt khác, tâm lý chung, những người bị nạn, bị lạc thường không thừa nhận là do mình thiếu kỹ năng, tâm lý yếu mà thường đổ lỗi cho khách quan, trong trường hợp này họ sẽ cố thêu dệt thêm những tình huống ly kỳ, huyền bí để ngụy biện cho sự yếu kém của mình.

Những lời đồn thổi về hiện tượng "ma đưa lối, quỷ dẫn đường" là không có thật, thậm chí nếu tin vào điều đó nhiều lúc sẽ gây tổn hại cho bản thân mà chúng ta hoàn toàn không hay biết. 

Thông tin mang tính chất tham khảo!